Theo ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, Thông tư 17 xem việc dạy thêm, học thêm chỉ ở mặt tiêu cực, không đề cập mặt tích cực. Thực tế, nếu việc dạy thêm, học thêm tự nguyện sẽ giúp học sinh nâng cao kiến thức, giáo viên được nâng cao tay nghề. Ông Hồng cho rằng điều quan trọng là đưa ra cách quản lý hiệu quả chứ không phải bằng cách cấm đoán hay hạn chế tối đa. “Rõ ràng việc học thêm là một nhu cầu của xã hội” - ông Hồng khẳng định.
Đại diện các sở GD-ĐT 10 tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đều cho rằng hiện còn nhiều giáo viên chưa hiểu kỹ những quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT. Vì thế, bộ cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên nghĩ rằng Thông tư 17 cấm dạy thêm là không đúng. “Giáo viên không được tổ chức dạy thêm chứ không phải không được dạy thêm” - ông Hoàn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết vì chưa có hướng dẫn cụ thể về việc dạy thêm, học thêm nên địa phương này đã tạm dừng việc triển khai Thông tư 17. Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Phạm Ngọc Trúc, yêu cầu bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn Thông tư 17, các sở GD-ĐT cần thông tin chi tiết những quy định của thông tư này đến từng giáo viên để tránh tình trạng làm sai vì không hiểu rõ.
Mới ra trường không thể dạy thêm Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng mục đích của Thông tư 17 là nhằm hạn chế giáo viên cắt xén kiến thức trong chương trình chính khóa để dạy thêm cho học sinh chứ không hạn chế việc dạy thêm. Vì thế, ngoài những quy định của thông tư này, các sở GD-ĐT cần quy định giáo viên đứng bục giảng bao nhiêu năm thì mới được dạy thêm. “Không thể chấp nhận giáo viên mới ra trường mà lại dạy thêm” - ông Quý nêu rõ. |
Bình luận (0)