. Phóng viên: Ông nghĩ sao về những trường ĐH có chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất... không đúng như đăng ký khi thành lập mà dư luận ví là “ĐH làng” ?
- GS Đào Trọng Thi: Đúng là có những hiện tượng như vậy. Có thể trong quy định pháp lý hay hướng dẫn thi hành chưa được chặt chẽ, minh bạch nên việc giám sát thực hiện cũng khó. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng cơ quan trực tiếp thẩm định giúp Chính phủ rõ ràng đã không làm hết trách nhiệm.
. Vậy ai phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra những trường ĐH không bảo đảm chất lượng?
- Đương nhiên là Bộ GD-ĐT! Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm vì vừa là cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ thẩm định, lại vừa là cơ quan quản lý Nhà nước.
. Khi giám sát trong lĩnh vực giáo dục 2 năm trước, ủy ban có phát hiện hay nhận thấy vấn đề chất lượng của một số trường ĐH?
- Nội dung giám sát 2 năm trước tập trung vào khối dạy nghề. Vấn đề chất lượng giáo dục ĐH cũng đã có nhưng không nổi lên như hiện nay. Nếu chương trình giám sát thời gian tới được thông qua, Quốc hội có thể tập trung giám sát tối cao về giáo dục ĐH.
Tất nhiên, cơ quan quản lý có khuyết điểm khi để xảy ra những trường ĐH không đáp ứng chất lượng. Song khuyết điểm chính vẫn là ở khâu thẩm định và cho quyết định thành lập. Quy trình thành lập trường ĐH vừa qua rõ ràng có vấn đề khi để thẩm định và thành lập trường vẫn là một bước.
. Trong quá trình giám sát, ông có nghe thông tin về vấn đề tiêu cực trong việc xin thành lập trường ĐH?
- Chưa, song việc thẩm định không đúng là rõ rồi vì có những trường chưa đủ điều kiện vẫn được thành lập.
Dù mang tên quốc tế nhưng ĐH Quốc tế Hồng Bàng có cơ sở vật chất không tương xứng. Ảnh: T. VINH
. Ông nhìn nhận ra sao khi để xảy ra những trường ĐH kém chất lượng?
- Hậu quả là nghiêm trọng bởi chúng ta đã và đang gặp nhiều khó khăn về chất lượng giáo dục. Nếu chuyện này không nổi lên, chúng ta cũng đã phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới chất lượng giáo dục. Vì thế, những hiện tượng vừa xảy ra sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề chất lượng giáo dục.
. Ông thấy thế nào về công tác kiểm định chất lượng ĐH hiện nay?
- Ở các nước, việc thành lập trường ĐH không quan trọng mà quan trọng là kiểm định chất lượng. Một trường ĐH không được những tổ chức có uy tín kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo thì không có ai đến học; bằng cấp cũng sẽ chẳng có giá trị gì. Tại nước ta, việc thành lập trường do Nhà nước quyết định, chất lượng cũng do Nhà nước công nhận và bảo hộ. Việc kiểm định chất lượng ĐH của ta còn rất mới và giá trị kiểm định cũng chưa rõ ràng.
. Theo ông, cần làm gì để không xảy ra tình trạng trường ĐH kém chất lượng?
- Luật Giáo dục sửa đổi lần này dự kiến sẽ chia quy trình thành lập trường ĐH thành hai bước: Quyết định thành lập và cho phép thành lập.
Mỗi bước lại có những quy định cụ thể để cơ quan thẩm định có căn cứ thẩm định và cơ quan giám sát có cơ sở xem việc thẩm định có đúng hay không. Hy vọng quy định pháp luật sẽ chặt chẽ, minh bạch hơn, song điều quan trọng không kém là thực thi pháp luật. Vì thế, cần có cơ chế để việc thực thi pháp luật nghiêm túc hơn và có chế tài nếu vi phạm trong việc thực thi pháp luật.
. Thực tế cho thấy Bộ GD-ĐT chưa làm tròn trách nhiệm trong việc thẩm định cũng như kiểm tra, giám sát trường ĐH. Vậy ông có lo ngại nếu sửa Luật Giáo dục mà giao quyền quyết định thành lập trường ĐH từ Thủ tướng Chính phủ về Bộ GD-ĐT?
- Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Chính phủ đệ trình có đề nghị giao thẩm quyền quyết định thành lập trường ĐH cho Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ủy ban chúng tôi không ủng hộ phương án này. Tất cả sẽ trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định.
Bình luận (0)