Trường ĐH dân lập quốc tế “kiểu” Hồng Bàng cũng vậy, còn nhớ năm nào Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức kiểm tra nhưng rồi đâu lại vào đấy, sinh viên, phụ huynh vẫn tiếp tục kêu ca về chất lượng đào tạo của trường ĐH “quốc tế” này, bây giờ lại tiếp tục kiểm tra!
Trên mọi góc độ, Bộ GD-ĐT luôn luôn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đặc biệt trong việc cấp giấy phép hoạt động cho các trường mới mở. Vậy vì sao lại xuất hiện những trường “ĐH làng”? Hiện nay tại hàng chục tỉnh, thành đều đã có trường ĐH, trong số đó chắc chắn có những trường “ĐH làng”. Tốc độ phát triển của các trường ĐH nước ta thật kinh khủng: Năm 1987 mới chỉ có 107 trường ĐH, CĐ, đến nay con số đó là 367 trường! Thời kỳ “bùng nổ ĐH” ở nước ta diễn ra trong hai năm 2006-2007, có đến 40 trường ĐH ra đời, trong đó có số mới thành lập, có trường được nâng cấp từ CĐ hoặc THCN. 40 trường ĐH ra đời trong vòng chỉ có 2 năm, chỉ xem xét ở góc độ số lượng giảng viên thôi, cũng đã thấy bất cập thì làm sao không xuất hiện những trường “ĐH làng”!
Hôm 17-10, Liên hiệp Các Hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức một cuộc hội thảo để góp ý cho Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, GS Nguyễn Xuân Hãn có ý kiến “gây sốc”: “Cần cân nhắc để hạn chế tiêu cực vì từng có thông tin để được mở trường phải “lót tay” không ít, các phụ phí tiêu cực có khi lên đến 2 tỉ đồng!”.
Ý kiến này thực tế chẳng có gì... mới nhưng vẫn buộc người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Có hay không có chuyện tiêu cực khi xin mở trường? Việc xin mở trường, trên thực tế hoàn toàn không đơn giản, rất chặt chẽ. Hồ sơ xin thành lập hoặc nâng cấp một trường ĐH phải qua một hội đồng thẩm định hết sức nghiêm ngặt ở từng khâu, sau đó Bộ GD-ĐT mới có ý kiến, trình Chính phủ để Thủ tướng ra quyết định thành lập. Vậy tại sao vẫn có những trường “ĐH làng”, ĐH “quốc tế” kiểu Hồng Bàng? Cũng từ câu hỏi nhức nhối này mà nhiều ý kiến cho rằng không nên mở rộng quyền cho Bộ GD-ĐT được cấp giấy phép thành lập trường mà nên để quyền đó cho Thủ tướng Chính phủ, bởi trong thời gian qua, chỉ với việc thẩm định, Bộ GD-ĐT đã không làm tròn trách nhiệm.
Cũng tại hội thảo trên, có ý kiến đề nghị rà soát lại tất cả các trường ĐH mới thành lập, nâng cấp trong thời gian qua để rút kinh nghiệm sâu sắc về quá trình thẩm định, kiểm điểm trách nhiệm của những người đã thẩm định hồ sơ vì để lọt lưới những sai phạm không thể chấp nhận được.
Đó là những ý kiến có tính “bắt mạch” chính xác rất tâm huyết của các nhà khoa học quan tâm đến giáo dục để lành mạnh hóa các khâu quyết định trong việc thẩm định mở trường ĐH.
Bình luận (0)