Tôi gặp thầy sau một ngày dài chấm thi. Trong góc quán cà phê nhỏ nằm trên đường Y Wang gần Trường ĐH Tây Nguyên, thầy ngồi đó, tóc bạc, da mồi đậm màu năm tháng.
Dày dạn kinh nghiệm, tâm huyết với nghề
Cạnh đấy là chiếc xe máy cũ mà tôi đoán đã gắn bó với thầy từ rất lâu rồi. Thầy đón tôi với nụ cười tươi, hiền hậu quen thuộc mà tôi thường thấy trên những tấm hình thầy đăng ở Facebook cá nhân.
Cuối cùng, sau bao ngày mong mỏi, tôi cũng được gặp lại thầy Nguyễn Văn Rèn - người được bao thế hệ học trò kính trọng và yêu mến. Nguyên là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, thầy đã góp sức đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ giáo viên ngữ văn THCS, giáo viên tiểu học cho ngành giáo dục - đào tạo Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Trong nhiều năm, thầy còn tham gia các hoạt động chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo, đặc biệt là tham gia tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi văn của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm đạt kết quả cao.
Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà, thầy đã sống hết mình với văn chương, xem văn chương là niềm vui, niềm đam mê của đời mình. Tôi đọc truyện ký "Vượt lên nghèo khó" và biết thầy sinh ra, lớn lên bên dòng sông Bến Hải. Bút danh Nguyễn Phương Hà là ghép từ tên con gái và tên vợ của thầy, qua đó tôi nhận ra tình yêu sâu sắc thầy dành cho gia đình. Không chỉ giàu trí tuệ mà trái tim của thầy cũng rất nhạy cảm. Trong trái tim ấy, thầy dành trọn tình cảm cho gia đình, văn chương và bao lớp học trò.
Với riêng tôi, bút danh ấy còn có nghĩa là dòng sông thơm, là dòng sông chữ thảo thơm cứ hết mình chảy mãi, bồi đắp phù sa, tưới mát và làm giàu có tâm hồn của biết bao thế hệ học trò. Để từ ấy họ lớn lên, trưởng thành, mang theo tình yêu văn chương mà thầy đã gửi trao bằng tất cả tâm huyết, sự nhiệt thành, tấm lòng của người thầy qua bao nhiêu năm tháng.
Khi đọc "Vượt lên nghèo khó", tôi thương thầy, ngưỡng mộ thầy, kính trọng thầy và biết thêm về thầy một chút: Một cuộc đời trải qua bao gian khó, qua bao trận mưa bom bão đạn, thậm chí đã có những giờ khắc đứng trên lằn ranh sinh tử. Vượt qua tất cả, thầy cũng như dòng sông Bến Hải, cứ bền bỉ, kiên cường, thao thiết cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Cuốn sách thầy tặng tôi là cuốn thứ hai thầy viết: "Văn học - một miền phù sa". Đó là kết quả của một quá trình phấn đấu và gắn bó với nghề dạy văn của thầy. Với tôi, cuốn sách thật sự bổ ích, khiến tôi vỡ ra nhiều điều. Những kiến thức lý luận khô khan, khó nhớ qua cách viết của thầy trở nên rõ ràng, dễ hiểu hơn. Thầy luôn giản dị trong cách dùng từ, đặt câu, gợi mở vấn đề nhưng khi đọc, độc giả vẫn nhận ra vốn kiến thức sâu rộng của thầy được tích lũy từ một đời gắn bó với phấn trắng, bảng đen, cần mẫn trong thế giới của cái thiện và cái đẹp.
Tôi đọc những trăn trở của thầy về việc dạy văn, học văn; đọc những suy nghĩ, cảm nhận của thầy về các tác phẩm văn học trong nhà trường và nhận ra trong đó là tâm huyết với nghề, với việc lưu giữ vẻ đẹp của văn chương của một nhà giáo dạn dày kinh nghiệm.
Thầy Nguyễn Văn Rèn, người đào tạo rất nhiều giáo viên ngữ văn và học sinh giỏi văn cho tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Thầy soi sáng trên bước đường đời
Tôi được làm học trò của thầy khi đã hơn 30 tuổi và thầy đã nghỉ hưu, đang bước dần đến ngưỡng tuổi thất thập của đời người. Lần ấy, dù chẳng biết tôi là ai nhưng thầy vẫn gửi tặng cuốn sách thầy mới xuất bản khi tôi rụt rè gửi cho thầy những dòng tin nhắn trên mạng xã hội để hỏi về cuốn sách. Nhận được sách, tôi vừa vui vừa xúc động. Viết những dòng cảm ơn, tôi hiểu thấu hơn về một tấm lòng đáng quý.
Từ đó, thầy trò trao đổi với nhau nhiều hơn. Chính xác là tôi thường làm phiền thầy, cứ hỏi thầy hết điều này đến điều khác. Chưa một lần thầy tỏ ra khó chịu, cứ kiên nhẫn trả lời mọi thắc mắc của tôi.
Thầy là người có tác động lớn nhất khiến tôi bắt đầu viết lách trở lại sau 10 năm sao nhãng, bẵng quên vì cuộc sống cứ cuốn về phía trước, chẳng kịp nhìn lại mình và quên mất thói quen trải lòng cùng con chữ. Bài viết đầu tiên của mùa hè, tôi gửi nhờ thầy đọc và nhận xét. Nhận mail của thầy, mắt tôi rưng rưng. Thầy không chỉ đọc kỹ, nhận xét mà còn sửa giúp tôi những chỗ còn thiếu sót. Những bài viết sau, theo thói quen, khi viết xong, tôi thường gửi thầy và thầy vẫn sẵn sàng giúp tôi tiến bộ hơn. Khi bài được đăng trên tạp chí, thầy là người đầu tiên tôi báo tin vui...
Tôi học được rất nhiều điều ở thầy: Học được sự cần cù, chăm chỉ, học được những kiến thức chuyên sâu, học cách làm việc nghiêm túc, theo đuổi đến cùng điều đã chọn. Thầy dặn tôi: Không nên chạy theo số lượng, "quý hồ tinh bất quý hồ đa", văn chương không vội vàng được, phải cẩn thận từng chữ, từng câu...
Hơn hết, tôi học được cách làm một giáo viên tốt, có cái tâm trong sáng, biết vượt qua vị kỷ cá nhân để ngày một vững vàng trên bục giảng. Nhìn vào thầy, tôi biết vì sao mọi người lại kính yêu thầy đến thế. Tôi nhìn vào thầy để tự sửa mình và cố gắng vươn lên. Người thầy không phải chỉ có vốn kiến thức sâu rộng mà còn phải có tình yêu thương, trách nhiệm, nhiệt huyết; không chỉ truyền dạy tri thức mà còn phải biết thắp lửa và truyền lửa sau mỗi chuyến đò.
Tôi ngạc nhiên và càng ngưỡng mộ thầy hơn khi thầy cho biết vẫn đang ngày ngày tự học, vừa học vừa viết. Thì ra, tình yêu văn chương đã thấm sâu, hòa lẫn vào huyết mạch của thầy để rồi dù đang ở quãng thời gian có thể tự cho phép mình nghỉ ngơi sau một đời nhọc nhằn, vất vả mà thầy vẫn viết, vẫn không ngừng lao động, sáng tạo, vẫn làm đầy đặn hơn gia tài văn chương của mình bằng những bài viết, cuốn sách thật hay và có ý nghĩa.
Trong lòng tôi, thầy không chỉ là dòng sông chữ thảo thơm mà còn là miền phù sa giàu có, bồi đắp, nuôi dưỡng bao mầm cây nảy nở, lớn lên. Tôi gặp thầy khi dòng sông chữ thảo thơm đang chảy khúc yên ả, hiền hòa, hiền như nụ cười hồn hậu chưa bao giờ thay đổi của thầy dù trải qua bao ghềnh thác.
Hơn 30 tuổi, tôi chập chững từng bước một quay trở lại với viết lách. Tôi viết bởi tôi nghĩ mình mắc nợ văn chương và mắc nợ những ân tình. Văn chương cứu rỗi tôi trong những ngày tối tăm, khốn khó. Những ân tình đã dìu dắt tôi từ buổi thiếu niên cho tới ngày trưởng thành và sẽ còn soi sáng bước chân của tôi trên đường đời ở cả những năm tháng sau này...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)