Vào cuối học kỳ I và cuối năm học sẽ có bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học bắt buộc là tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho HS.
HS được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học nếu được đánh giá kết quả giáo dục hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt hoặc hoàn thành. Đối với HS lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên sẽ nhận HS vào năm học tiếp theo về những nét nổi bật hoặc hạn chế của HS, bàn giao hồ sơ đánh giá HS. Đối với HS lớp 5, sẽ tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường THCS trên cùng địa bàn, giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá, bàn giao cho nhà trường. Trưởng phòng GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường trên cùng địa bàn tổ chức nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục HS hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương.
Theo hiệu trưởng các trường tiểu học, việc ban hành Thông tư 27 về đánh giá HS tiểu học là quy định quan trọng, phù hợp với thực tiễn và thể hiện sự đồng bộ khi đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. HS lớp 1 của năm học này sẽ được đánh giá theo Thông tư 27 và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu qua các năm.
Ông Trần Trọng Khiêm - Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, phụ trách giáo dục tiểu học - cho biết để đánh giá những tiến bộ hay hạn chế của một quy định phải sau khi quá trình triển khai quy định đó. Nhưng nhìn chung, Thông tư 27 về đánh giá HS tiểu học không quá nhiều khác biệt so với Thông tư 22 trước đây. Thông tư 27 có nền tảng từ Thông tư 22, Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.
Theo ông Khiêm, tinh thần của Thông tư 27 vẫn là đánh giá HS theo hai hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Về đánh giá thường xuyên, trước đây giáo viên cũng đã làm quen với việc đánh giá HS ở Thông tư 22. Ở Thông tư 27 thì quy định rõ ràng hơn để phù hợp với thiết kế của chương trình mới. Thông tư 27 cũng tinh gọn phần sổ sách, ghi chép của giáo viên, quyền chủ động, tự nhận xét của HS được phát huy. Ngay cả đối với kiểm tra định kỳ của lớp 5 và bàn giao, kiểm tra kết quả giáo dục cũng giữ nguyên như Thông tư 22 trước đây, điều này các trường tiểu học tại TP HCM đã thực hiện từ khi Thông tư 22 ra đời.
Ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4), cho biết Thông tư 27 quy định giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho HS biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của HS khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời là một quy định rất cần thiết, thực chất. Trước đây, khi Thông tư 22 ra đời, việc đánh giá HS chủ yếu dựa vào nhận xét của giáo viên vào các vở bài tập, hay qua trao đổi với phụ huynh. Việc Thông tư 27 quy định nhận xét qua lời nói sẽ giúp HS dễ hiểu, tiếp nhận được ngay trên lớp, hiệu quả giáo dục cao. Vấn đề là làm sao để việc nhận xét bằng lời này được thực hiện thường xuyên, thực chất chứ không phải mang tính qua loa, hình thức.
Theo Bộ GD-ĐT, quy định mới được thực hiện theo lộ trình: từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
Bình luận (0)