Bạn Minh Phương (ĐH Nông Lâm) cho biết: “Đề này hay, phản ánh đúng thực tế, mình nghĩ đề cho học sinh lớp 11 thì sẽ làm được tốt thôi. Từ này giờ ở đâu cũng nghe, nhất là lúc mấy bạn đi du lịch, đi chơi này nọ thì hay dùng đến từ này.”
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với Minh Phương. Như Ngọc Hiếu (ĐH Tài chính- Marketing) chẳng hạn. “Tôi nghĩ mỗi người có một cách sống, một tiếng YOLO chả thế nào khẳng định được hướng đi của một con người. YOLO cũng chỉ là một phong trào tạm thời, có nổi có chìm thôi. Còn việc đưa YOLO vào đề thi cũng giống như đưa bà “Tưng” vào đề thi vậy”, Hiếu chia sẻ.
Nhưng bạn có thực sự “YOLO”?
Đúng như trong đề văn giải thích, YOLO có thể hiểu nôm na là một từ khích lệ, giúp bạn phấn đấu, nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ hay đơn giản chỉ là mục đích mà mình đề ra. Nhưng các bạn trẻ thì có những cách hiểu khác nhau về từ này.
Hải Sơn (CĐ Sân khấu- Điện ảnh) cho rằng YOLO theo nghĩa gốc là đời người sống có một lần, đừng ngần ngại, hãy làm cái mình muốn. Người thì coi đó là "đèn xanh" để ăn chơi, làm trò khó coi, ngắn gọn là tiêu cực. Người thì coi nó là lời động viên dám sống hết mình “Mình thường không dùng từ đó một cách nghiêm túc cho lắm, chủ yếu là kiểu "làm liều" mà thôi”, Sơn cho biết. Ngọc Bích (sinh viên năm 2- ĐH Hoa Sen) giải thích: “Mình thường dùng YOLO trong tình huống muốn làm nhiều thứ mà còn phân vân băn khoăn không biết nên làm hay không”.
Dạo gần đây tần số từ YOLO xuất hiện quá nhiều đến nỗi có thể coi đây như từ cửa miệng của teen. Ở nước ngoài YOLO thường được bạn bè nói với nhau trong các quán bar, tiệc tùng thân mật. Tuy nhiên nhiều bạn chỉ dùng theo trào lưu, nhưng chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của nó. Điều này cũng gây hại không kém, làm mọi người hiểu chệch đi ý nghĩa ban đầu vốn có của từ.
Bạn Khắc Tuấn (ĐH KTL) chia sẻ: “Mình nghĩ nghĩa của nó dùng để cổ động hay động viên hay hô hào kêu gọi thì đúng nhất. Nếu lạm dụng từ này nhiều quá sẽ hạ thấp nghĩa của nó rồi dần dà không ai quan tâm nó mang ý nghĩa gì nữa và sẽ biến mất theo thời gian”.
Bình luận (0)