xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quản lý chất lượng là khâu yếu nhất

Huy Lân

Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo ra sao? Hiệu quả đầu tư ngân sách cho các trường ĐH, CĐ đến đâu?

Ngày 29-10, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo trình Chính phủ về sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT đánh giá giáo dục ĐH đã từng bước phát triển về quy mô, loại hình trường và hình thức đào tạo. Tuy nhiên, phương pháp quản lý Nhà nước chậm thay đổi, không bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực đang là khâu yếu kém.

img
Do mới thành lập, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định còn nhiều bất ổn.
Trong ảnh: Sinh viên của trường trong giờ thực hành trên máy tính. Ảnh: L.Huy

Chỉ có Đắk Nông chưa có trường ĐH, CĐ


Về việc phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đánh giá công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH được phát triển đúng quy hoạch.

Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, TP có trường ĐH; có 60/63 tỉnh, TP có trường CĐ và có 62/63 tỉnh, TP có ít nhất một trường CĐ hoặc ĐH, trừ tỉnh Đắk Nông chưa có trường ĐH, CĐ nào. Trong đó, các trường ngoài công lập phát triển nhanh về số lượng, đến tháng 9-2009 có 81 trường ĐH, CĐ; quy mô đào tạo năm học 2008-2009 là 218.189 sinh viên, chiếm tỉ lệ 12,7% so với tổng số sinh viên.


Tuy nhiên, trong công tác thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ còn bộc lộ hạn chế. 12 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong đề án khả thi thành lập trường. Đồng thời, chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh. Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh.


Thả nổi chất lượng đầu vào


Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động có tác dụng tích cực trong việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và bắt đầu kiểm soát chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nhìn nhận: Quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay.


Cho đến năm 2007, Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương là các trường phải công bố chuẩn năng lực của người tốt nghiệp các ngành nghề của các trường ĐH, vì vậy, cũng chưa có trường nào công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp của trường mình. Các yếu tố đầu vào để bảo đảm chất lượng cho đào tạo thực tế chưa được kiểm soát triệt để.

Năm 1987, một giảng viên ĐH, CĐ đào tạo bình quân 6,6 sinh viên. Đến năm 2009, một giảng viên đào tạo bình quân 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường ĐH, CĐ tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Năm 1987, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 10,09%, năm 2009 là 10,16%.


Nhìn chung, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng. Bộ GD-ĐT nhìn nhận: Thực tế gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục ĐH.


Tự chủ đại học còn hạn chế


Trong báo cáo, Bộ GD-ĐT cũng nêu vấn đề quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về các trường ĐH, CĐ rất phân tán. Trong tổng số 376 ĐH, CĐ hiện nay, bộ quản lý 54 trường (14,4%); các bộ, ngành khác quản lý 116 trường (30,8%); UBND các tỉnh, TP là cơ quan chủ quản của 125 trường (33,2%); có 81 trường dân lập, tư thục (21,5%).


Trong khi Bộ GD-ĐT là cơ quan duy nhất theo luật pháp được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục cấp bộ thì việc kiểm tra chấp hành các văn bản đó ở các trường ĐH, CĐ thuộc các bộ, ngành khác và do UBND là cơ quan chủ quản còn rất hạn chế, có bộ còn ra văn bản chồng chéo lên chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GD-ĐT.

Thực tế thời gian qua không có họp định kỳ hằng năm giữa Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành khác và UBND các tỉnh về quản lý các trường, chưa có quy chế phối hợp quản lý nên xét về tổng thể Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào?  Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo ra sao? Hiệu quả đầu tư ngân sách cho các trường ĐH, CĐ đến đâu?


Các quy chế, quy định giúp các trường có thể tự chủ cao chưa đầy đủ nên việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục hạn chế. Các quy định về tài chính chậm được đổi mới, còn nhiều bất hợp lý, hạn chế sự năng động, sáng tạo của các trường.

Bốn nhóm giải pháp nâng cao chất lượng

Trong phần giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo từ năm 2009 đến 2012, Bộ GD-ĐT xác định:


1- Tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội: “Làm gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo”, đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục là khâu đột phá để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo.


2- Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục ĐH, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường, quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành khác và UBND các tỉnh, TP đối với các trường ĐH, CĐ trước tháng 3-2010.


3- Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa các đầu vào của hệ thống giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chuẩn hóa và bảo đảm đủ 100% giáo trình ĐH, phấn đấu đến năm 2012, tất cả các trường triển khai đào tạo theo tín chỉ.


4- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài, xây dựng và triển khai đề án thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ĐH, CĐ của Việt Nam

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo