Xung quanh kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT về Trường ĐH Phan Thiết, ngày 23-10, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: Tôi có theo dõi trên báo chí và Bộ GD-ĐT có gửi kết quả báo cáo công tác thanh tra đột xuất Trường ĐH Phan Thiết do tổ công tác của bộ tiến hành và báo cáo do phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký. Theo kết luận của tổ công tác và của địa phương, những thông tin trên báo chí về Trường ĐH Phan Thiết là không chính xác. Các báo cáo đều cho rằng trường có đủ điều kiện để đào tạo, ít nhất là 1.000 sinh viên nếu tổ chức 2 ca/ngày.
Trước hết, tôi rất ngạc nhiên là tại sao kết quả thanh tra lại có sớm thế. Thông thường, tiến độ thực hiện các vụ việc thanh tra, không chỉ của riêng ngành giáo dục, không thể nhanh như thế.
Theo báo cáo của tổ công tác, tổ về làm việc ở Trường ĐH Phan Thiết hai ngày 18 và 19-10. Nhưng theo dõi trên báo chí, tôi thấy sáng 18-10, tổ công tác về làm việc thì ngày 19-10 đã có kết quả đăng trên báo. Như vậy có nghĩa là kết quả công bố trên báo chí không cần chờ cuộc làm việc ngày 19-10 nữa.
Một số vấn đề khác cũng chưa được làm rõ như có chuyện danh sách giảng viên thỉnh giảng trùng lặp, với nhiều chữ ký giả (danh sách “ma”) hay không. Và cũng chưa thấy tổ công tác nói có đối thoại với sinh viên, cán bộ của trường không; tổ có làm việc với một số vị được ghi vào danh sách giảng viên thỉnh giảng của trường không... Tôi nghĩ rằng nếu thực hiện được đầy đủ những công việc trên, kết quả thanh tra sẽ thuyết phục hơn.
Một số số liệu trong kết quả thanh tra được đánh giá cũng chưa đúng. Ví dụ như nói Trường ĐH Phan Thiết đã có một ký túc xá, ký túc xá này có... 3 phòng! Tôi chưa từng thấy một trường ĐH nào có ký túc xá 3 phòng. Như thế chỉ có thể gọi là nhà trọ bình dân.
Theo giới thiệu trên website của Trường ĐH Phan Thiết, cơ sở ban đầu của trường tại làng cổ Mũi Né,
lớp học là những căn nhà gỗ trong khu vườn nhà cổ như “một trường quốc tử giám ngày xưa”(?!). Ảnh: D.T
Tôi cho rằng nếu đợt thanh tra này quá gấp thì sắp tới có thể thành lập đoàn thanh tra khác có tính độc lập cao hơn. Sau đó, nếu vẫn kết luận được là Trường ĐH Phan Thiết đầy đủ điều kiện hoạt động thì sẽ thuyết phục hơn.
Trước đây, trong quy định về thành lập trường ĐH không phân chia ra 2 bước: quyết định cho thành lập trường trên cơ sở dự án khả thi; quyết định cấp phép hoạt động đào tạo sau khi trường đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động.
Nếu sắp tới Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua thì một trường ĐH muốn đi vào hoạt động phải qua 2 bước đó; nếu trường nào chưa đủ điều kiện thì không cấp phép hoạt động; thậm chí, sau khi hoạt động một thời gian dài vẫn không đáp ứng đủ điều kiện, chắc chắn phải giải thể.
Ở đây tôi muốn nói thêm, đối với trường được thành lập mà hồ sơ không trung thực thì thái độ cư xử phải khác – theo tôi là phải phạt nặng hoặc giải thể. Chúng ta đã có kinh nghiệm giải quyết những trường hợp này rồi. Sinh viên không có lỗi gì trong chuyện này. Nếu trường phải giải thể, chúng ta phải tìm cách tạo điều kiện cho số sinh viên này học tập ở các trường ĐH tương đương.
Đối với Trường ĐH Phan Thiết, bộ đã kết luận đủ điều kiện thì chắc chắn trường sẽ được tiếp tục đào tạo. Song theo tôi, báo chí, nhân dân và sinh viên cũng nên phát biểu quan điểm của mình xem kết luận thanh tra đã khách quan chưa. Nếu chưa thì cần tiến hành đợt thanh tra mới. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng sẽ giám sát, nếu cần thiết.
Xin lỗi, không tưởng tượng nổi! Trả lời với báo chí ngày 21-10, các lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng Trường ĐH Phan Thiết đủ điều kiện hoạt động đào tạo. Cụ thể là có 63 giảng viên cơ hữu, trong khi số sinh viên đào tạo là 750. Theo mức trung bình, tỉ lệ sinh viên/giáo viên hiện nay đối với các ĐH công lập là 28 sinh viên/giảng viên, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội thì khoảng 26 sinh viên/giảng viên.
Xuân Hương ghi
Đi buôn không vốn! Thực tế hiện nay, quy định về điều kiện mở trường đã có, thậm chí là khó nhưng nhiều trường khi đi vào hoạt động vẫn không có cơ sở riêng hoặc có nhưng hết sức nhếch nhác. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chủ yếu vẫn là thỉnh giảng, chất lượng bấp bênh... Tất cả điều này chỉ để đối phó với xã hội, với việc kiểm tra chứ không phải để phục vụ giảng dạy. Và đó là nguyên nhân khiến chất lượng sinh viên ra trường rất thấp.
H.Lân ghi |
Bình luận (0)