Các ý kiến tại hội thảo đều chỉ ra những phần hạn chế, đồng thời gợi ý những giải pháp giúp HS-SV khởi nghiệp.
Đề án hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 10-2017 đặt mục tiêu đến năm 2020, có 90% HS-SV được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay chưa đạt được.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, cho rằng thời gian đào tạo ở các cơ sở GDNN khá ngắn, từ 2 đến 3 năm nên HSSV không có nhiều thời gian nghiên cứu sâu về các kiến thức khởi nghiệp. Khái niệm khởi nghiệp chủ yếu do các em tự học hỏi, tìm hiểu, dẫn đến các dự án khởi nghiệp chưa thực sự mang lại hiệu quả, khả thi cao. Bên cạnh đó, dù HS-SV có những ý tưởng tốt nhưng không phải ý tưởng nào cũng có thể triển khai dự án khởi nghiệp thành công.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng chính sự non trẻ, thiếu kiến thức cơ bản về quản trị, kinh nghiệm kinh doanh, nguồn vốn… khiến nhiều khởi nghiệp thất bại sau 6 tháng, một số khác khó cầm cự được 1-2 năm. Ông Anh khẳng định nguyên nhân của sự thất bại là do thiếu chuẩn bị. Để khắc phục, HS-SV ngoài vững kiến thức, chuyên môn nghề thì cần phải học thêm các khóa quản trị kinh doanh; đồng thời phải tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về quản trị doanh nghiệp trước khi bước ra mở một cửa hàng bán hàng thời trang hay thức ăn nhanh, quán cà phê, rồi mới nói đến mở một doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ý kiến của nhiều trường CĐ, trung cấp cùng nhìn nhận và khẳng định, hầu hết các hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại các cơ sở GDNN còn hạn chế về mô hình tổ chức; nhận thức của HS-SV, giảng viên và nhà trường chưa cao. Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra của nhiều nghề hiện nay chưa đề cập năng lực khởi nghiệp. Các phương pháp đào tạo chưa khuyến khích những hoạt động khởi nghiệp, nhất là khi vẫn còn tình trạng "cầm tay chỉ việc".
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến khởi nghiệp và xem đó là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trên thế giới cho thấy đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là HS-SV mang lại những lợi thế nhất định.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết trong những năm qua, các cơ sở GDNN đã cung cấp hàng triệu lao động cho các doanh nghiệp. Điều đáng mừng là nhiều HS-SV sau tốt nghiệp nghề đã có thể tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Nhiều đề án hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đã tạo ra một môi trường khởi nghiệp toàn diện cho người học.
Theo ông Khánh, hiện nay vẫn còn một số khó khăn khiến cho hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của HS-SV chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Trước thực tế đó, Tổng cục GDNN đã có những hỗ trợ toàn diện cho các cơ sở GDNN, để các em có thể khởi nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để huy động vốn, tư vấn giải pháp, huy động kinh nghiệm... ngoài ra, còn kết nối với các đơn vị khác để huy động sức mạnh giúp HS-SV khởi nghiệp thành công.
Bình luận (0)