Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố nằm trong Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông trị giá 80 triệu USD được phê duyệt từ năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8-8-2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.
40 triệu USD để cải tiến chương trình, chính sách
Theo nguồn của Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, dự án gồm 7 nội dung: Chương trình giáo dục phổ thông mới; Tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho các tổ chức, cá nhân; Bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn được phê duyệt cho phép sử dụng; Học sinh khó khăn được mượn SGK mới; SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số); Hệ thống bồi dưỡng giáo viên qua mạng; Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia.
Dự án bao gồm 4 thành phần (xem bảng kinh phí), trong đó gần 50% kinh phí (thuộc thành phần "Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông") dành cho các "đầu việc": Xây dựng trung tâm quốc gia phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và trung tâm quốc gia khảo thí ngôn ngữ; Tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh; Triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không nên thực hiện quá nhiều các dự án thí điểm, ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ học sinh Ảnh: TẤN THẠNH
Trong số 25% kinh phí của thành phần 2, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK (do Bộ GD-ĐT thực hiện) gồm các đầu việc: Xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo một bộ SGK; Thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với một bộ SGK; Biên soạn SGK song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và Biên soạn, thử nghiệm SGK điện tử. Bên cạnh đó, dự án sẽ thẩm định các SGK, bao gồm sách của Bộ GD-ĐT và SGK khác do cá nhân, tổ chức biên soạn. Ngoài ra, dự án cũng dự kiến cung cấp 50.000 bộ SGK cho học sinh khó khăn.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa vào chương trình nhiều chuyên đề dạy học tích hợp, nhiều phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh; giáo viên ở các nơi đều đã được làm quen, thậm chí nhiều giáo viên thực hiện rất thành thạo. Cũng từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm trong cả nước nghiên cứu đổi mới chương trình và phương thức đào tạo giáo sinh. Công tác bồi dưỡng giáo viên cũng đang được chuẩn bị rất tích cực. "Tôi tin, nếu có một lộ trình hợp lý và đạt được sự đồng thuận cao thì chương trình phổ thông mới sẽ thành công" - ông Thuyết nói.
Dễ thất bại nếu không kỹ lưỡng
Trong khi đó, vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ sự thành công của chương trình vì sự phá sản của nhiều dự án thí điểm tốn kém trước đó. Nhìn lại Đề án Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhiều góp ý đã chỉ ra tính mơ hồ, thiếu khả thi của đề án. Đó là việc cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đã được chuẩn bị thế nào cho đề án đổi mới, hay tất cả chỉ mới là con số 0 trong khi dự kiến sang năm đã bắt đầu triển khai đại trà.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhìn nhận chưa thấy vai trò của người thầy ở đâu trong các công cuộc đổi mới, trong khi người thầy mới là người thực hiện được các nhiệm vụ đổi mới đó. Cải tổ phải từ dưới lên, từ người thầy, trường học, địa phương chứ không phải chỉ đạo từ trên xuống. Thay vì dùng nguồn kinh phí thí điểm thì lấy số kinh phí đó hỗ trợ cho các địa phương, các cá nhân, thầy cô giáo nào có sáng kiến đổi mới, mang lại hiệu quả và yêu cầu họ làm thiệt chứ không thí điểm.
"Nguyên tắc của nền giáo dục của Mỹ là không bao giờ thí điểm, đã làm là làm thật chứ không thí điểm và mỗi bang có cách làm riêng. Còn chúng ta, khá nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM… có đầy đủ nguồn lực, điều kiện để tự đổi mới nhưng không được vì Bộ GD-ĐT vẫn là nơi nắm quyền toàn bộ. Chỉ khi nào bộ bớt ôm đồm, bớt tập trung hết quyền về phía mình thì mới mong có đổi mới thật sự" - ông Tống nói.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, đặt câu hỏi trong dự thảo chương trình, học sinh năm lớp 11, 12 sẽ được chọn môn học. Việc chọn này có định hướng cho học sinh chọn môn hay không, hay để các em tự chọn môn học, bởi nếu định hướng có giống cách định hướng học sinh như chương trình phân ban trước hay không. Còn nếu để học sinh tự chọn thì có thể rơi vào tình trạng đa số chọn môn tự nhiên, bỏ quên môn xã hội, gây nên tình trạng học lệch… Những điều này bộ cần phải lường trước.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng tâm lý của học sinh và phụ huynh lâu nay là học để thi nhưng trong dự thảo thì chỉ cần tích lũy các môn theo quy định là được, vậy các trường ĐH sẽ xét tuyển như thế nào, có sự phối hợp giữa các trường THPT và ĐH hay không? Nếu không có sự kết hợp nhuần nhuyễn thì sẽ ra sao? Vì lâu nay học sinh thi gì học nấy, học gì thi nấy. Trong khi đó, dễ nhận thấy nhất là một số địa phương chưa đủ điều kiện thực hiện. Nếu triển khai đại trà dễ rơi vào tình trạng như Dự án Mô hình trường học mới. "Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình, SGK thì nguy cơ không thể tiếp tục triển khai đề án là khá lớn" - TS Nghĩa băn khoăn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Kỳ trước
Bình luận (0)