Báo cáo Tiếng nói của trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (SCI) thực hiện mới công bố cho thấy nhiều trẻ em có mong muốn được cha mẹ, thầy cô lắng nghe, quan tâm đến ý kiến hoặc được tham gia lập kế hoạch, ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân.
Bị áp đặt mọi thứ
Tuy nhiên, trên thực tế, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, cho hay người lớn rất ít khi hỏi trẻ "Con có ý kiến như thế nào? Con có sự lựa chọn hay quyết định như thế nào?". Nhiều phụ huynh, thầy cô có xu hướng sắp đặt, áp đặt mọi thứ cho trẻ khiến các em phải nghe theo một cách thụ động. Tuy nhiên, nghịch lý là chính các bậc phụ huynh lại mong chờ trẻ sẽ chủ động, tư duy độc lập, có chính kiến khi lớn lên.
Tôn trọng ý kiến là cách khuyến khích con trẻ bày tỏ bản thân. (Ảnh: BẢO LÂM)
Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý, PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái, Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho rằng việc không được tham gia vào những quyết định liên quan đến bản thân, hay cụ thể hơn là bị phớt lờ, lời nói bị xem thường, coi nhẹ có thể dẫn đến những phản ứng tâm lý không tích cực của trẻ. Các em có thể cảm thấy bản thân bị tước đoạt các quyền cơ bản của mình, bị xem thường và không có cảm nhận mình là thành viên quan trọng trong môi trường đó. Hệ lụy của việc này là trẻ có thể thu mình, chờ đợi người khác quyết định và lên tiếng thay mình.
Ở một góc độ khác, theo PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái, trẻ cũng có thể phản ứng theo cách bốc đồng, thách thức lại những áp đặt từ bên ngoài khi các em không được lắng nghe và chia sẻ quan điểm của bản thân. "Cả hai hình thức thụ động và chống đối này đều thể hiện sự mất cân bằng tâm lý của trẻ và càng khiến các em tăng cường sự mất kết nối về mặt tâm lý với môi trường sống của mình, bất luận là trong gia đình hay tại trường học" - PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái nói.
Cần được tôn trọng, không chế giễu
Theo các chuyên gia, không phải lúc nào người lớn cũng có cái nhìn đủ sâu sắc về cuộc sống của trẻ để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt liên quan đến các em. Do đó, tạo cơ hội cho trẻ được lắng nghe là rất quan trọng để bảo đảm rằng các quyết định phù hợp được đưa ra dựa trên quan điểm của trẻ.
Việc trẻ được tham gia vào các quyết định liên quan đến bản thân, được lắng nghe và chia sẻ ý kiến khiến các em cảm nhận bản thân có giá trị, thấy rằng những suy nghĩ của mình được coi trọng, được chấp nhận và thấu hiểu. Điều này góp phần định hình giá trị bản thân, giúp trẻ xây dựng hình ảnh tích cực về chính mình, thông qua đó lòng tự trọng của các em được nâng cao.
PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái khẳng định việc được tham gia, được lắng nghe còn góp phần làm tăng tính độc lập, tự tin ở trẻ, giúp các em học được cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác... Về lâu dài, niềm tin vào bản thân có thể tác động tới khả năng các em xây dựng niềm tin vào những người xung quanh. Trẻ cũng sẽ học được cách chấp nhận người khác và khiến người khác chấp nhận mình.
Giải pháp mà PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái đưa ra đối với các thầy cô là tôn trọng những quan điểm của trẻ. "Dù có thể không đồng tình với trẻ nhưng việc thể hiện sự tôn trọng, không chế giễu, bài xích trẻ là điều quan trọng giúp các em cảm thấy được lắng nghe và thông qua đó, thầy cô có thể định hướng lại nhận thức của trẻ cho phù hợp" - PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái nêu.
Kiểm soát cảm xúc
Theo PGS-TS Bùi Thị Hồng Thái, các bậc phụ huynh nên dành thời gian và khích lệ con chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn về mọi việc. Phân tích cho con hiểu mức độ phù hợp/ không phù hợp trong quan điểm của con và hướng dẫn nhận thức để con có thể nhìn nhận các vấn đề một cách đúng đắn. Bên cạnh đó, có thể hướng dẫn con bày tỏ các quan điểm cá nhân một cách lành mạnh (ví dụ: Con có thể nói ý kiến của mình nhưng trong sự tôn trọng cha mẹ và kiểm soát cảm xúc). Muốn làm được điều này, chính cha mẹ cần làm gương trong cách tương tác với con. Nói cách khác, cha mẹ cần kiểm soát lời nói và cảm xúc của bản thân khi quan điểm không tương đồng với các con.
Bình luận (0)