Chiều 4-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo khai giảng năm học mới 2016-2017 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Sửa Thông tư 30, tập trung làm sách giáo khoa
Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 về đánh giá học sinh (HS) tiểu học sẽ sớm được ban hành và áp dụng ngay trong năm học này.
Trước những lo lắng của giáo viên rằng cách đánh giá theo mức A, B, C là chưa thực sự sát với thực tế và vẫn “bình mới rượu cũ”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận tinh thần của Thông tư 30 là tốt, qua triển khai thực hiện trên thực tế cũng có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng sẽ rút kinh nghiệm, phải thí điểm, phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về con người lẫn cơ sở vật chất. “Tới đây, bộ sẽ ban hành thông tư sửa đổi, tiện ích, sát thực tế hơn” - Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Trước vấn đề nóng là dạy thêm - học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng. “Cấm dạy thêm phải hiểu là cấm dạy thêm tràn lan hay những hành vi trái quy định như đưa nội dung chính khóa vào giờ dạy thêm” - ông giải thích.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, muốn giảm tình trạng dạy thêm - học thêm như hiện nay cần phải có lộ trình. Trong đó, việc quan trọng là chỉnh sửa nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK). Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhu cầu học thêm là nội dung chương trình học nặng, thi cử căng thẳng. “Cần nhìn học thêm - dạy thêm trong cả một quá trình chứ không phải chỉ với một lát cắt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến chương trình, SGK mới, trả lời câu hỏi về tiến độ hoàn thành “chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét công việc này thận trọng, với tinh thần “chậm mà chắc”.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sau Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông năm 2014, cách làm chương trình và SGK của ngành giáo dục đã có những điểm khác biệt so với trước đây. Nếu trước đây chỉ có một nhóm chuyên gia tập trung làm SGK thì việc đổi mới chương trình và SGK hiện nay yêu cầu kết hợp cả đổi mới sư phạm. Việc làm SGK cũng phải công khai, minh bạch, huy động nhiều nguồn lực, chất xám trong xã hội.
Không nhồi nhét kiến thức
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2016-2017, TP có hơn 1,5 triệu HS. Trong đó, bậc mầm non có gần 347.000 trẻ, bậc tiểu học hơn 584.000 HS, bậc THCS hơn 407.000 HS và bậc THPT hơn 218.800 HS. Trong năm học mới, ngành GD-ĐT TP HCM cho biết sẽ đổi mới mạnh mẽ giáo dục.
Việc đổi mới sẽ chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho nhồi nhét. Đồng thời, ngành GD-ĐT TP HCM tăng cường tổ chức cho HS tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn. Khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế cuộc sống hằng ngày.
Đây cũng là năm ngành GD-ĐT TP HCM chú trọng các biện pháp giảm tải. Trong đó, TP sẽ chú trọng đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của HS, sinh viên; đổi mới giáo dục thể chất và tăng cường kỹ năng sống.
Năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT TP HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử ở giáo dục phổ thông, sĩ số HS/lớp còn đông, số lớp học 2 buổi/ngày vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến khó khăn trong công tác giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của HS. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn còn khá nặng nề, quá tải, mang nặng tính hàn lâm, thiếu thực hành. Chương trình phân phối chưa phù hợp với thời lượng và thời gian, dẫn đến HS phải học nhiều, thiếu thời gian vận dụng kiến thức trong thực tế.
Năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT TP HCM cho biết sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy giáo dục. Trong đó, nổi bật nhất là cho phép các trường được chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp thực tế từng loại hình trường. Ngoài ra, TP HCM sẽ tự thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT…
Lãnh đạo Đà Nẵng dự khai giảng ở vùng ven
Năm học này, TP Đà Nẵng có 238.135 HS ở các bậc học, tăng hơn 13.000 em so với năm học trước. TP có 9 trường học được xây mới.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho hay lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức trong khoảng 45 phút. Lãnh đạo TP tham dự lễ khai giảng không phát biểu như mọi năm mà chỉ tặng hoa và quà chúc mừng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng sẽ đến dự lễ khai mạc ở các trường vùng ven TP, các trường mới thành lập thay vì ở các trường khu vực trung tâm như các năm học trước.
Trong năm học này, TP Đà Nẵng chủ trương giảm tải tối đa cho HS bằng các biện pháp như: không đưa thêm các hoạt động khác vào trong chương trình học, dạy học bám sát chương trình, không giao quá nhiều bài tập khó cho HS.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng còn giao các trường tiến hành rà soát việc phân bổ thời khóa biểu theo hướng có lợi cho HS; không để tình trạng 1 ngày, 1 buổi phải học quá nhiều môn học. Đà Nẵng cũng ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
B.Vân
Bình luận (0)