Năm ấy (cách đây vừa tròn 18 năm), vì chủ quan mà tôi đã trượt kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Bây giờ tôi có thể nói từ "trượt" một cách dễ dàng chứ ngày đó với tôi là một cú sốc.
Nâng đỡ sau vết trượt dài
Rồi sau đó là vết trượt kéo dài như một tất yếu, tôi trượt nguyện vọng 1 của kỳ thi đại học! Với một con bé đánh cược tất cả vào kỳ thi này, với một gia đình đặt niềm tin tuyệt đối vào con bé ấy, cú trượt đó thật đau đớn. Giá tôi có thể nhẹ nhàng như một chiếc lá rời bỏ cuộc sống này… Nhưng chẳng lẽ tôi lại yếu mềm như thế trong khi ba mẹ tôi sau sự thương xót là cần mẫn mỗi ngày đem vết thương của họ vẽ nên chiếc lá bất diệt của lòng tôi, như cụ Bơ-men đã làm với Giôn-xi tội nghiệp. Tôi mang cái mầm tươi xanh ấy đến một nơi mà tôi nghĩ là đủ xa để trốn tránh hiện thực và đủ gần để có thể về thăm ba mẹ tôi. Đó là Thanh Hóa, là Trường ĐH Hồng Đức - nơi tôi vẫn được học chuyên ngành Ngữ văn.
Và người mở cho con chim bé nhỏ, bơ vơ ô cửa sổ để nó bay đến cất tiếng hót chính là cô giáo Hỏa Diệu Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp K3B ĐH Ngữ văn hiền từ và tận tâm của tôi!
Tôi rất ấn tượng với dáng người cao vượt trội của cô. Có lẽ bởi tôi rất nhỏ bé (ngày ấy tôi chỉ có 38 kg và cao chưa đầy một mét rưỡi) nên khi ở bên cạnh cô, tôi luôn có cảm giác an toàn. Nhưng sự ấm áp thực sự tỏa ra từ trái tim cô, bản lĩnh thực sự tỏa ra từ trí tuệ cô.
Bây giờ, hình dung lại giọng nói ngọt ngào mà đầy uy lực, viên phấn trắng tung hoành trên bảng xanh, tôi lại thấy như hiện ra trước mắt dáng vẻ đầy tự tin của cô - sự tự tin chỉ có được ở những người làm chủ được tri thức và tư duy. Với tôi, sự tự tin ấy chính là thứ tôi hằng muốn. Sự tự tin đầy mạnh mẽ và hào sảng của cô khiến tôi bị thu hút như một thứ nam châm. Tôi ngưỡng mộ cô từ những bài giảng như thế.
Nhưng đâu chỉ là những bài giảng! Cô đặt tôi vào những vị trí mang tính thử thách làm thay đổi con người tôi: lớp phó học tập, lớp trưởng. Cô buộc tôi phải nói trước đám đông, phải dẫn dắt các bạn khác… Tôi cứ trưởng thành lên như thế. Dần dần, các thầy cô trong khoa giao cho tôi nhiều công việc hơn, khi làm biên tập của một tờ báo, khi viết báo bảng, giúp việc cho câu lạc bộ báo chí. Trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường, tôi được vinh danh là một trong mười gương mặt tiêu biểu. Năm thứ ba, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, hát bài "Quốc tế ca" mà tôi yêu tha thiết.
Mỗi thành công của tôi đều có hình bóng của cô. Người đã thổi vào tâm hồn tôi luồng gió tươi mát của tuổi trẻ, thắp lên trong tôi khát vọng tỏa sáng, cho tôi niềm tin ở chính mình.
PGS-TS Hỏa Diệu Thúy trong giờ giảng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Khơi dậy khát khao học, đọc
Đặc biệt, tôi biết ơn cô vì nhờ cô mà tôi biết đến nghiên cứu văn học. Văn chương vốn là niềm yêu thích trong thế giới vốn nhạt nhẽo của tôi. Nhưng nghiên cứu không đơn thuần là cảm xúc. Cảm xúc, cảm giác với một tác phẩm hay một hiện tượng văn học chỉ là cái ấn tượng ban đầu, mang tính chủ quan. Người nghiên cứu thì không cho phép mình chỉ dựa vào cái ấn tượng đó. Hoạt động này rất công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Cô vẫn nhắc với chúng tôi câu nói của nhà văn Nam Cao: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện".
Làm nghiên cứu mà cẩu thả có thể giết chết một tài năng hoặc tung hô một kẻ bất tài! Cái công việc "gạn đục khơi trong", "đãi cát tìm vàng" này quả thực không dễ dàng. Năm ấy, dưới sự dẫn dắt của cô, nhóm chúng tôi đã đạt giải ba đề tài nghiên cứu cấp bộ. Những gì chúng tôi học được nơi cô đến hôm nay vẫn không hề cũ đi. Đó là kim chỉ nam cho chúng tôi bước tiếp trên con đường nghiên cứu và giảng dạy sau này.
Tôi xa cô từ ngày rời giảng đường đại học cho tới giờ đã 13 năm! Tôi trở thành giáo viên một trường cấp ba ở quê tôi - vùng núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Nhưng thật kỳ lạ, xa mà thật gần! Sự phát triển của công nghệ đã tạo ra một thế giới ảo kết nối tất cả chúng ta. Tôi vẫn thấy cô giáo yêu quý của tôi trên mạng xã hội, vẫn trò chuyện với cô. Tôi thấy cô tôi dẫu qua tháng năm vẫn rất tinh anh và tự tin thì tăng thêm nhiều phần…
Gần đây tôi có đọc cuốn sách mới xuất bản của cô "Sự đọc: Chỉ dấu và đường biên". Cuốn sách đã đánh thức trong tôi những ngày được cùng cô làm nghiên cứu, khơi dậy trong tôi khát khao được đọc, được học nhiều hơn nữa. Thực là một cuốn sách giá trị! Tôi đã viết bài về cuốn sách đăng trên mạng xã hội, nhận được rất nhiều sự kết nối từ bạn bè, thầy cô giáo ở mái trường Hồng Đức yêu thương. Còn cô tôi thì vẫn khiêm tốn, giản dị như thế: "Khi trò hơn thầy, nó đặt thầy ở đâu thì thầy ngồi ở đó thôi". Không, cô ơi, chúng em mãi vẫn là những đứa học trò bé bỏng, là những bông hoa xinh xắn dưới tán lá sum sê của cô!
Với cây bút mầu nhiệm, cô đã vẽ lên thanh xuân của tôi bức tranh đầy màu sắc. Giờ đây, nơi miền rừng, tôi cất bức tranh ấy, chọn là một bông hoa lặng lẽ tỏa hương, dẫu chẳng thể là ngôi sao rực sáng vẫn không thấy cuộc đời vô vị. Sau những giờ cháy hết mình trên lớp, sau những bận rộn, lo toan của cuộc sống thường ngày, hằng đêm, tôi lại thức đọc và viết, chìm trong thế giới lấp lánh của riêng mình - nơi ấy tôi thấy cô đang mỉm cười nhìn tôi, tin cẩn và yêu thương…
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)