Do học sinh bậc mầm non chưa thể đến trường thời điểm này, cũng không thể học trực tuyến như các bậc học khác nên hầu hết trường mầm non ngoài công lập không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả các loại chi phí, khiến chủ trường không trụ nổi.
Sang trường giá... rẻ
Hai tuần nay, chị Thanh - chủ một trường mầm non chất lượng cao tại TP Thủ Đức - tham gia các hội nhóm sang nhượng trường trên Facebook, Zalo để đăng bài rao bán trường. Hằng tháng, chị phải trả tiền lãi ngân hàng, tiền mặt bằng dù đã được chủ đất giảm 30% nhưng vẫn phải chi lên đến trăm triệu đồng nên chị không trụ nổi.
Bậc mầm non TP HCM đang đứng trước muôn vàn khó khăn, nhiều trường ngoài công lập đã phải đóng cửa
Chị Thanh chia sẻ: 3 đợt dịch trước, chị phải xoay xở nhiều cách, vay mượn gia đình, bạn bè để trang trải chi phí mỗi tháng, giữ trường. Trước khi có đợt dịch thứ 4, trường được mở lại nên có nguồn thu để duy trì đến bây giờ. Nhưng hiện tại do trường đóng cửa thời gian dài, chị Thanh buộc phải sang nhượng trường.
"Tôi buồn và tiếc nuối khi phải bỏ ngang, đây không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn là của cả tập thể giáo viên suốt những năm tháng qua cố gắng để xây dựng một môi trường học tập tốt cho học sinh, vì dịch bệnh nên không thể tiếp tục. Tháng này, tôi phải trả hơn một trăm triệu đồng tiền vay mở trường nhưng chưa biết lấy từ đâu để trả nên tôi rao bán trường gấp" - chị Thanh cho hay.
Cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Hoàng Thi, chủ 5 cơ sở trường mầm non tại quận Gò Vấp, phải thu nhỏ hệ thống trường, sang nhượng 2 cơ sở. Chị Thi cho biết sẽ sang nhượng toàn bộ cơ sở vật chất và giáo viên của 2 cơ sở đó cho người muốn mua, kèm 3 tháng tiền thuê mặt bằng. Có một số bàn ghế, đồ chơi, điều hòa, giường xếp, đồ vật dụng bếp… còn mới nhưng bán với giá rẻ.
Tương tự, anh Khánh phải sang nhượng trường mầm non của mình tại huyện Bình Chánh với giá rẻ vì kẹt tiền trả lãi ngân hàng, song đến nay vẫn chưa có người mua. Hiện lớp có khoảng 120 em, đầy đủ cơ sở vật chất và mới được tân trang vào đầu năm 2020.
Khó khăn chung của mầm non thành phố
Chị Minh Châu mở trường mầm non cuối năm 2019 tại quận 12, đến đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát phải đóng cửa, sau đó dịch diễn biến phức tạp kéo dài khiến chị không còn vốn dự phòng. Đến nay, chị Châu không thể cầm cự được, đành phải sang nhượng. Chị cho hay là khi mở trường tiền vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng nhưng giá sang nhượng chỉ được một nửa, chị đã đầu tư rất nhiều vào việc thiết kế và trang trí trường học.
"Cố giữ qua 3 mùa dịch rồi, đến bây giờ đành phải bỏ ngang, tôi rất đắn đo khi đưa ra quyết định này. Trường mới mở chỉ vừa nhận được vài lứa học sinh thì phải bán, lỗ rất nhiều, tôi không đành nhưng phải chấp nhận" - chị Châu tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Lan (huyện Hóc Môn) cũng là giáo viên mầm non. Khi mang thai, chị dự tính mở trường để tự kinh doanh, thuận lợi trong việc nghỉ để sinh nở và chủ động thời gian. Chị mở trường từ tháng 8-2020 nhưng giờ phải bán trường, do sức khỏe yếu và không thể gánh nổi chi phí dù hai bên nội ngoại đã hỗ trợ thêm. Chị cũng cho rằng bán thời điểm này sẽ bị ép giá nhiều, không đủ để bù lỗ những tháng qua. Trường của chị Lan có tổng cộng 6 phòng, có bếp riêng và sân chơi rộng cho học sinh, tất cả cơ sở vật chất đều mới 90%.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết từ tháng 4 đến nay đã có 19 trường mầm non ngoài công lập và 90 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (dưới 70 em) ngưng hoạt động. Số lượng trường giải thể đông nên khi trẻ quay trở lại trường học, có thể ngành mầm non sẽ gặp khó khăn trong việc xếp lớp. Sở yêu cầu các phòng giáo dục quận, huyện phải luôn nắm được con số các trường giải thể, số giáo viên để có tiên lượng chung. Khi trẻ nhập học trở lại sẽ có thể phân luồng, nếu không đủ chỗ ở trường ngoài công lập thì trường công lập sẽ nhận thêm một ít.
"Đây là tình hình khó khăn chung nên không chỉ ngành giáo dục mà cần sự chung tay của các ngành khác để giúp các trường vượt qua giai đoạn này" - bà Điệp gửi gắm.
Bình luận (0)