Tại cuộc tọa đàm "Giáo dục đại học (ĐH): Thách thức và cơ hội" được Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 18-10 ở TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay theo số liệu chính thức được Bộ Tài chính đưa ra, ngân sách chi cho giáo dục ĐH năm 2020 chưa đến 17.000 tỉ đồng nhưng số thực chi thấp hơn nhiều.
Bất cập từ khâu đầu tư cho giáo dục
Cụ thể, ngân sách chi cho giáo dục ĐH năm 2020 chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa tới 12.000 tỉ đồng. Số thực chi này cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường ĐH muốn phát triển cần 3 yếu tố là nguồn lực dồi dào, quản trị ưu việt, tài năng hội tụ. Về quản trị, giáo dục ĐH đã thay đổi mạnh. Về tự chủ, trách nhiệm của các trường, sự tham gia của các thiết chế trong trường cũng đã được nâng lên. Song, nguồn lực cho các trường thì còn nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (giữa) trao đổi tại tọa đàm
"Nguồn lực của các trường hiện nay đến từ nhà nước, người học và xã hội. Đương nhiên, người học có trách nhiệm chi trả những gì mình được lợi ích. Nhưng để hiện đại hóa một cơ sở giáo dục ĐH, mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ bản, trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt với ngành công nghệ cao, thì học phí không thể chi trả được. Học phí chi trả thì người học muốn được nhìn thấy ngay; còn đầu tư lâu dài, đầu tư phát triển đội ngũ thì rõ ràng nhà nước cần quan tâm hơn" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng nếu so sánh sẽ thấy bất cập ngay ở khâu đầu tư cho giáo dục ĐH. "Chúng ta thực hiện tự chủ trong các trường ĐH thì phải hiểu là ngoài khoản đầu tư của nhà nước - mà theo đánh giá chung thì hiện rất thấp, phải trao cho các trường ĐH cơ chế tự chủ để họ thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội, để nâng đầu tư cho các trường, nhằm bù lại phần nhà nước không lo được" - bà Mai Hoa nêu ý kiến.
Điều chỉnh cung - cầu
Vấn đề lớn của giáo dục ĐH là tỉ lệ người theo học ĐH so với dân số của Việt Nam hiện còn thấp, ảnh hưởng tới nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như sự phát triển của xã hội.
Đánh giá về thực trạng này, GS Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Văn phòng Chính phủ, cho rằng tỉ lệ sinh viên so với toàn dân của Việt Nam thể hiện rất rõ cân bằng cung - cầu. Theo GS Đặng Ứng Vận, có 2 nguyên nhân dẫn đến vấn đề này: Sức hấp dẫn của giáo dục ĐH đối với thế hệ trẻ giảm sút và sức tiêu thụ các sản phẩm giáo dục ĐH theo đúng nghĩa của nền kinh tế Việt Nam hiện không cao.
"Theo tôi, cần điều chỉnh tốt cân bằng cung - cầu. Nếu tiếp tục mở thêm trường để tăng tỉ lệ sinh viên so với số dân thì vẫn sẽ xảy ra thách thức như hiện nay, đồng thời gây khó cho các trường cũ khi tuyển sinh. Chúng ta chỉ cần có biện pháp để tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm đào tạo của các trường ĐH thì tự khắc mức cân bằng sẽ chuyển dịch sang mức cầu cao hơn" - GS Vận nhận xét.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, có những ngành học lâu dài phục vụ đất nước, như khoa học cơ bản, nông - lâm - ngư nghiệp, nghệ thuật, đào tạo trình độ sau ĐH... nhưng lại không dễ xã hội hóa để người học chi trả, trong khi đang hạn chế về nguồn lực. "Yêu cầu quy mô phải tăng, đòi hỏi chất lượng cũng phải tăng. Như vậy, thách thức lớn là làm sao bảo đảm tương xứng, vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng phải vừa đầu tư có trọng tâm, trọng điểm" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Chỉ 141 trường đủ điều kiện tự chủ
Cả nước mới chỉ có 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 điều 32 Luật Giáo dục ĐH. Thêm vào đó, vẫn còn nhiều trường chưa kiểm định hoặc chưa đủ điều kiện kiểm định.
"Muốn tự chủ, các trường phải thay đổi chính từ bên trong; không chỉ có hội đồng trường mà còn phải xây dựng hệ thống quản trị ĐH, hệ thống văn bản, vì đã tự chủ thì phải thực hiện phân quyền, phân cấp trong môi trường đó xuống đến tận giảng viên. Khi hoàn thiện bộ máy tổ chức, kiểm định xong thì mới đủ điều kiện tự chủ" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Bình luận (0)