Một người bạn hỏi tôi nghĩ gì xung quanh chuyện giảng viên ĐH “đạo” sách. Sự việc đó tất yếu xảy ra bởi cơ chế, luật pháp xã hội chưa hợp lý và chặt chẽ, giá trị thực có khi lại chưa hoặc không bằng những giá trị ảo.
Minh họa: Nguyễn Tài
Chất xám bị rẻ rúng
Cách đây gần 20 năm, những bản thiết kế chuyển đổi tay lái nghịch của tôi bị người quản lý hồ sơ kỹ thuật khai thác. Nhờ tiền kiếm được từ những bản thiết kế này, anh ta làm được nhà. Hay chuyện, tôi chỉ biết cười buồn. Kiện à, chứng cớ đâu? Nếu theo kiện thì liệu các tài liệu thiết kế sẽ làm tiếp, người ta còn có chịu thông qua cho, hay lại làm khó? Mà kiện ra tòa thì phải nộp án phí, thầy giáo tiền đâu có! Thế là thôi.
Cũng vì vậy mà sau cuốn giáo trình đầu đời bị ăn cắp kia, tôi không muốn viết thêm cuốn nào nữa, mặc dù hai đời giám đốc thư viện trường trong này có gợi ý tôi viết tới 6 giáo trình khác nhau.
Tôi không mặn mà gì bởi tất cả các môn tôi đều có giáo án nhưng 3 - 4 trang giáo trình thời đó mới quy đổi thành một tiết giảng lý thuyết (!). Quả là chất xám rẻ hơn chất xơ!
Trong lần gặp mặt nhân ngày nhà giáo, một anh bạn khá thân khoe: “Tớ vừa được in cuốn giáo trình khá dày”. Tôi hỏi nhuận bút được nhiều không, anh nói nhỏ: “Hai triệu rưỡi”. Trời đất, nhuận bút một giáo trình bề thế mà không bằng tiền thù lao tôi giảng một chuyên đề cho lớp bồi dưỡng cao học. Đấy là chuyện chưa cũ lắm đâu, mới vài năm trước đây thôi. Do vậy, thấy nhiều giáo viên in được giáo trình, tôi cảm phục họ lắm...
Nguyên nhân?
Việc sách của một số giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM bị đồng nghiệp đánh cắp từng đoạn có chọn lọc, tôi chỉ còn biết chia buồn. Qua chuyện này, tôi nghĩ tới điều khác. Nghề giáo, một nghề từ ngày xưa đã được xã hội đồng thuận chỉ xếp sau vua, được tôn vinh hơn cả đấng sinh thành (Quân - Sư - Phụ), vậy mà bây giờ họ táng tận lương tâm, dám “cướp cơm” một cách trắng trợn, vậy thì giá trị mọi thứ khác sẽ còn đảo lộn như thế nào đây?
Nghe vị phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trả lời báo chí mà buồn. Trí thức mà còn thế, thầy giáo mà còn như thế thì những việc đánh, cướp, hiếp, giết đang xảy ra hằng ngày đâu có gì khó hiểu.
Suy cho cùng, tệ trạng đó là hậu quả của triết lý giáo dục không rõ ràng, là do sự thiếu hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, thiếu cụ thể, thiếu ngay ngắn của luật pháp và cuối cùng là sự thiếu nghiêm minh của việc thực thi luật pháp. Xã hội hãy đầu tư đúng tầm cho hai vấn đề này mới mong không còn những chuyện buồn lòng nói trên.
Của riêng thành của chung
|
Bình luận (0)