Năm 2020, Trường ĐH Gia Định tuyển 1.093 chỉ tiêu theo 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM và xét học bạ. Trong đó, phương thức xét tuyển từ học bạ chiếm tới 60% chỉ tiêu. Với tổ hợp xét tuyển 3 môn, thí sinh (TS) chỉ cần có 15 điểm là trúng tuyển.
Đầu vào thả cửa
Sau khi bỏ quy định điểm sàn chung cho các trường ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ quy định điểm sàn đối với khối ngành sức khỏe và sư phạm. Các khối ngành còn lại, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do các trường tự quy định. Vì vậy, điểm chuẩn ở nhiều trường thuộc dạng khá thấp.
Trường hợp như Trường ĐH Gia Định không phải là hiếm khi ở thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng học bạ. Như Trường ĐH Hùng Vương TP HCM vừa thông báo điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ (điểm trung bình học kỳ 1 hoặc cả năm học lớp 12) từ 5 điểm trở lên với tất cả ngành. Nếu xét điểm 3 môn thì điểm chuẩn là 15. Mức điểm này được áp dụng cho những lần xét học bạ trước đó.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP HCM
Không riêng gì phương thức xét học bạ, vài năm qua, nhiều trường xác định điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia cũng khá thấp. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Thái Bình, điểm chuẩn năm 2019 của 7/9 ngành từ 15 đến 15,7 điểm; điểm trúng tuyển học bạ là 15. Điểm chuẩn 11/17 ngành theo phương thức xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của Trường ĐH Hải Phòng, cũng chỉ 14 điểm…
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng khi Bộ GD-ĐT không còn áp dụng điểm sàn chung thì các trường ĐH lâu nay khó tuyển sinh phải tự hạ điểm chuẩn để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu. Việc này cũng dễ hiểu bởi nếu không tuyển sinh được, trường sẽ không có nguồn thu và sẽ khó tồn tại.
Đầu ra khó đạt chất lượng
Những năm gần đây, lượng TS tham gia kỳ thi THPT quốc gia (năm 2020 là kỳ thi tốt nghiệp THPT) luôn có xu hướng giảm, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH lại tăng nên để cạnh tranh, các trường phải hạ điểm chuẩn.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, các trường được tự chủ tuyển sinh và phải bảo đảm chất lượng nguồn tuyển sinh nên Bộ GD-ĐT không thể áp dụng điểm sàn chung cho các trường như trước kia. Vấn đề còn lại tùy thuộc vào trách nhiệm của mỗi trường với người học, với xã hội.
Còn ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, nói rằng chất lượng đầu vào tốt thì đào tạo đỡ vất vả và thường cho ra kết quả tốt. Ngược lại, chất lượng đầu vào thấp thì quá trình đào tạo sẽ rất vất vả mà chưa chắc đạt được chuẩn đầu ra. Việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào như thế nào là do chiến lược của từng trường. Có trường quyết không hạ chuẩn đầu vào, kể cả khi không đủ chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng đầu ra. Cũng có trường chấp nhận lấy điểm thấp để cho đủ chỉ tiêu và được năm nào hay năm đó.
Theo ông Tùng, nếu lấy đầu vào thấp mà khắt khe đầu ra thì nhiều sinh viên không thể hoàn tất chương trình đào tạo gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội; còn nếu cứ buông chất lượng để TS vào được, ra được thì sẽ cung cấp cho thị trường lực lượng lao động không có chất lượng. Về lâu dài, thị trường giáo dục sẽ có sự đào thải, trường không có nguồn lực và không có chất lượng sẽ càng khó khăn, không tồn tại được. Cũng theo ông Tùng, đào tạo ĐH không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường mà yếu tố chất lượng phải là yếu tố hàng đầu.
Cạnh tranh không lành mạnh
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhìn nhận do áp lực phải tuyển sinh nên nhiều trường ĐH bằng mọi cách, kể cả hạ điểm, nói xấu trường khác… để tuyển cho đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, cách làm này không chỉ khó đạt được mục tiêu tuyển sinh mà còn khó khăn hơn. Trong tương lai, hệ thống ĐH chắc chắn sẽ có sự sắp xếp lại để đào tạo có chất lượng và hiệu quả.
Bình luận (0)