Kỳ thi THPT quốc gia 2017 lập nhiều thành tích về "cơn mưa điểm 9, con bão điểm 10". Điểm chuẩn vào các trường khối công an, quân đội, y khoa… liên tục lập kỷ lục, thậm chí vượt ngưỡng 30 điểm. Vậy mà nhìn lại điểm chuẩn vào các trường sư phạm mới thấy hết sự "khiêm tốn" trong cuộc đua tuyển sinh ấy. Những con số chỉ bằng và cao hơn điểm sàn chẳng đáng là bao ấy đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng đầu vào, chất lượng sinh viên và chất lượng giáo viên tương lai.
Vì sao cánh cổng trường sư phạm lại bị sĩ tử "ngó lơ" để đặt ưu tiên hàng đầu vào "nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa" và cả khối ngành an ninh như thế?
Câu hỏi này rất dễ tìm ra câu trả lời bởi chỉ cần nhìn vào bức tranh u ám của tình trạng thất nghiệp hiện nay. Con số thống kê dự báo đến năm 2020 nước ta có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp đã ít nhiều làm sờn lòng những sĩ tử trót yêu nghiệp "gõ đầu trẻ". Dù yêu mến phấn trắng bục giảng đến bao nhiêu đi nữa, người ta cũng sẽ không lựa chọn "chui vào bụi rậm" bởi chưa ra trường đã nắm chắc cảnh thất nghiệp dài dài. Bài toán giải quyết tình trạng thất nghiệp cho cử nhân sư phạm chừng nào còn chưa có lời giải thì câu chuyện thu hút người tài, người giỏi vào nghề giáo sẽ luôn mãi xa vời.
Mặc dù nhà nước đã ưu tiên miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm nhưng chừng ấy chưa đủ sức hấp dẫn đối với sĩ tử khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Bao nhiêu ngành nghề "hot", đầy triển vọng về lương thưởng, việc làm vẫn đang ra sức lôi kéo bước chân của người giỏi. Trong số 13 thủ khoa của kỳ thi THPT năm nay khi được hỏi về ước mơ nghề nghiệp đều không lựa chọn trường sư phạm làm điểm dừng chân. Điều đó thật sự đáng buồn và đầy trăn trở!
Chúng ta không phủ nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua nhằm thu hút người tài nhưng câu chuyện "chảy máu chất xám" là một thực tế. Mức lương bèo bọt, khối lượng công việc lớn, áp lực ngày càng tăng… là những gì người ta đang nghĩ về nghề giáo. Vậy là người giỏi, người tài cứ thế ào ào lao vào các trường đại học tốp trên, để lại đây cảnh trường sư phạm tuyển sinh theo kiểu "vơ bèo vạt tép".
Chất lượng đầu vào ở mức trung bình và trung bình khá. Liệu các trường sư phạm có đủ sức "kéo" những sinh viên có mặt bằng dân trí tàm tạm ấy thành giáo sinh giỏi và giáo viên giỏi không? Khi người học có trình độ hạn chế, tâm lý bất ổn vì mải vướng bận chuyện lương thưởng, việc làm thì không ai dám đảm bảo chất lượng đầu ra sẽ ổn. Và những người thầy tương lai ấy dựa vào đâu để dạy chữ dạy người, làm đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục và gánh lấy sự nghiệp đổi mới giáo dục?
Chính sách đãi ngộ cho giáo viên cần có bước chuyển tích cực hơn nhằm thu hút người giỏi. Ảnh: Hoàng Triều
Nếu đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu thì ưu tiên đầu tư cho giáo dục là điều không cần bàn cãi. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất bây giờ chính là đem lại nguồn sinh khí mới cho ngành sư phạm. Để thu hút người tài vào sư phạm, hãy thay đổi chính sách tuyển sinh, đãi ngộ nhà giáo.
Chúng ta không thể cứ mãi "cứu" các trường sư phạm bằng cách cho phép các trường tuyển sinh ồ ạt bất chấp chất lượng và hậu quả. Số lượng sinh viên ra trường mỗi năm đều khá cao trong khi công tác tuyển dụng giáo viên thì "nhỏ giọt", cầm chừng. Điều đó càng đổ dồn áp lực lên tình trạng thất nghiệp với nhiều hệ lụy như hiện nay. Hãy mạnh dạn dừng tuyển sinh với các khối ngành đang dư thừa một lượng lớn cử nhân. Hãy "đãi vàng thật" sinh viên sư phạm thay vì cứ chơi trò may rủi "vàng thau lẫn lộn".
Chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo cần có những bước chuyển tích cực hơn nhằm thu hút người giỏi đầu quân vào trường sư phạm. Sự đảm bảo về công việc sau khi tốt nghiệp là điều kiện cần để sinh viên yên tâm trau dồi chuyên môn. Và đãi ngộ về lương thưởng là điều kiện đủ để mỗi nhà giáo toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp trồng người. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chính là nâng cao chất lượng giáo dục.
Bình luận (0)