Trong xã hội hiện đại, khi công việc và học tập trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, gia đình không chỉ là nơi trở về mà còn là nơi phải đối mặt nhiều áp lực và thử thách.
Áp lực vô hình
Là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn, với khối lượng công việc dày đặc, chị Minh Trang (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) thường xuyên về nhà trễ, hiếm khi ăn cơm cùng gia đình. Nhiều lần bé Bin (7 tuổi, con trai chị) hỏi: "Sao mẹ cứ đi làm hoài mà không chơi với con?".
Câu hỏi ấy khiến chị giật mình nhưng vì áp lực công việc, chị chỉ trả lời qua loa rồi tiếp tục lao vào làm việc. Chỉ đến khi nhận được phản hồi từ cô giáo rằng Bin ngày càng ít nói, có biểu hiện hay buồn và cáu gắt, chị mới thật sự lo lắng.
"Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi sắp xếp lại thời gian, công việc, cố gắng dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để trò chuyện cùng con. Cuối tuần, gia đình đi cà phê, xem phim, bận lắm thì dành 1 - 2 giờ ra ngoài ăn sáng cùng nhau. Giờ các con đã vui vẻ, nói cười nhiều hơn" - chị Trang tự tin khoe.
Từ câu chuyện của bản thân, chị Trang cho rằng áp lực cuộc sống ngày càng nhiều khiến chúng ta quên cuộc sống còn nhiều điều quan trọng khác cần được trân trọng.
"Làm việc chăm chỉ, trách nhiệm là điều đáng quý. Có điều nếu mọi khoảnh khắc trong ngày đều bị công việc lấn át, sẽ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng kéo dài, tình cảm gia đình và niềm vui cá nhân dần bị bỏ quên.
Giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân không phải là điều dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu biết sắp xếp hợp lý, đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân.
Việc tham gia các hoạt động chung với gia đình, dù chỉ là 10 - 15 phút mỗi ngày, cũng giúp giảm stress, tăng sự gắn kết giữa các thành viên" - chị Trang đúc kết.
Gia đình anh Quốc Hùng (ngụ TP Hà Nội) từng trải qua một giai đoạn đầy căng thẳng. Là người chỉn chu, anh luôn mong muốn thành tích học tập của các con phải nằm trong tốp đầu lớp.
Mỗi lần con bị điểm kém, anh lập tức trách mắng, yêu cầu con phải học nhiều hơn. Có lần đón con, biết con chỉ đạt 7 điểm môn toán, anh trách mắng, bất chấp con đang đứng ở cổng trường có đông người.
Áp lực này khiến hai con của anh trở nên ít chia sẻ mọi chuyện với bố. Rồi nghe những câu chuyện trên báo đài về vụ việc học sinh tự tử vì áp lực, tình cờ phát hiện con trai đang học lớp 7 lén khóc khi làm bài tập về nhà, anh nhận ra điều con cần không phải là điểm số mà là sự khích lệ và đồng hành của bố mẹ.
"Tôi đau lòng khi nhìn thấy con vừa làm bài tập vừa đưa tay quệt nước mắt, đôi vai run lên vì cố nén tiếng khóc. Sau lần đó, tôi dành thời gian ngồi học cùng con, bài khó quá thì bố con cùng lên YouTube học" - anh Hùng chia sẻ.
Theo anh Hùng, thay vì đặt mục tiêu quá cao, cha mẹ nên đồng hành, khuyến khích con từng bước vượt qua khó khăn. Khi con gặp vấn đề trong học tập, cần lắng nghe, thấu hiểu và cùng con tìm ra giải pháp.
"Phải nhìn nhận thực tế rằng mỗi đứa trẻ đều có khả năng và giới hạn riêng. Đừng kỳ vọng vượt quá khả năng của con mà cần khuyến khích con phát huy điểm mạnh, khắc phục dần những điểm yếu. Điều này giúp con học tập hiệu quả hơn, đồng thời xây dựng cho con tinh thần tự tin, độc lập trong việc giải quyết khó khăn" - anh Hùng nói.
Thu hẹp khoảng cách các thế hệ
Một vấn đề không mới nhưng luôn tồn tại và trở thành nguyên nhân khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng chính là mâu thuẫn thế hệ trong gia đình. Những khác biệt về quan điểm, lối sống và cách nhìn nhận vấn đề giữa các thế hệ thường dẫn đến hiểu lầm, xung đột nếu không có sự lắng nghe và chia sẻ.
Cha mẹ thường mong muốn con tuân theo những khuôn mẫu họ cho là đúng, trong khi giới trẻ lại mong muốn được tự do thể hiện bản thân, lựa chọn con đường riêng. Điều này dễ dẫn đến tranh cãi về việc chọn nghề nghiệp, lối sống, thậm chí là những vấn đề nhỏ nhặt như cách ăn mặc hay kết bạn.
Mâu thuẫn thế hệ cũng xuất hiện khi cha mẹ áp đặt kỳ vọng quá cao lên con, mà không hiểu rằng xã hội đã thay đổi, những chuẩn mực thành công không còn giống như trước đây.
Hay sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ và văn hóa hiện đại, cũng khiến khoảng cách giữa các thế hệ lớn hơn.
"Ngày nay, trẻ 4 - 5 tuổi đã sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính bảng. Mẹ tôi không hài lòng, bà thường phàn nàn: "Ngày xưa không có mấy thứ này, trẻ con vẫn ngoan ngoãn học hành, sao giờ tụi nhỏ cứ dán mắt vào màn hình suốt ngày? Các con không nên chiều con kiểu như thế ".
Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy mẹ không hiểu cuộc sống ngày nay là vậy, không cấm trẻ được, quan trọng là kiểm soát, đặt giới hạn trong việc trẻ sử dụng điện thoại, máy tính như thế nào" - anh Quang (35 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) tâm sự.
Sau nhiều lần căng thẳng, anh Quang giải thích cho mẹ hiểu công nghệ là công cụ hữu ích nếu biết sử dụng đúng cách, đồng thời hướng dẫn mẹ sử dụng một số tính năng cơ bản của điện thoại như nghe - gọi, cài một số kênh YouTube phù hợp để mẹ giải trí, đưa mẹ tham gia các hoạt động ngoài trời với cháu… Đến nay thì mẹ con, bà cháu đã có thể cùng nói về chủ đề công nghệ và hiểu nhau hơn.
"Điều quan trọng nhất là sự lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Cố gắng đặt mình vào vị trí của đối phương để thấu hiểu, khéo léo giải thích quan điểm của mình, thay vì phản kháng, để cùng nhau tìm tiếng nói chung.
Như vậy, những khác biệt sẽ trở thành cơ hội để gắn kết, thay vì tạo nên rào cản. Bởi lẽ, dù khác biệt thế hệ đến đâu, điều cốt lõi trong mỗi gia đình vẫn luôn là tình yêu thương và sự đồng hành" - anh Quang nói.
Việc xây dựng một gia đình hiện đại hạnh phúc không chỉ là đích đến, mà còn là một hành trình cần sự góp sức mỗi ngày của các thành viên.
Bình luận (0)