Mỗi một địa phương, mỗi một vùng miền, tùy vào điều kiện thời tiết, tùy vào nguồn nguyên liệu, vào lối sống, thói quen ẩm thực của người dân mà có những phương thức sản xuất nước mắm khác nhau. Và cái sự khác biệt ấy chính là cá tính, là yếu tố văn hóa phi vật thể của các cộng đồng cư dân.
Người Nam Ô (Đà Nẵng) làm nước mắm khác với người Phan Thiết (Bình Thuận), hay Phú Quốc (Kiên Giang)… Nước mắm của người Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa càng khác nữa. Bởi thế, việc đề xuất nghề nước mắm chung chung là di sản văn hóa phi vật thể, theo tôi, là không hợp lý.
Bởi nếu công nhận nghề làm nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta sẽ cần phải định lượng các yếu tố quy trình, phương thức sản xuất, phải cụ thể hóa các tiêu chuẩn theo một mẫu chung. Việc đó, chắc chắn sẽ khiến cho cá tính của các làng nghề bị xóa mờ, làm cho các yếu tố văn hóa của việc sản xuất nước mắm giảm đi.
Đề xuất công nhận nghề làm nước mắm truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể là một ý tốt. Mục đích, theo tôi hiểu là khiến cho việc quảng bá nước mắm Việt Nam thuận lợi hơn. Nhưng đối xử với một di sản văn hóa cần một cách tiếp cận văn hóa nhiều hơn là chỉ tìm cách gắn biển cho nó. Cần đối xử tốt hơn, dành sự trân trọng nhiều hơn cho hồn cốt của di sản.
Hồn cốt của mọi di sản văn hóa phi vật thể chính là con người, là các nghệ nhân, là lối sống của cộng đồng. Nếu thực sự muốn coi nghề làm nước mắm là di sản, trước hết hãy quan tâm đến những nghệ nhân sản xuất nước mắm, quan tâm đến không gian sống của các cộng đồng sản xuất nước mắm, để những nghệ nhân được ghi nhận xứng đáng với tài nghệ của họ, để các cộng đồng sản xuất nước mắm có thể sống tốt, sống vui, sống tự hào bằng truyền thống của mình. Làm được như thế, tự truyền thống trở thành di sản mà không cần bất cứ sự công nhận nào.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương thừa nhận nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào danh mục của quốc gia hoặc quốc tế, thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập, lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị.
Ứng xử với di sản văn hóa một cách văn hóa là tôn trọng những con người, cộng đồng tạo nên di sản.
Khi nghề làm nước mắm ở Phú Quốc hay Nam Ô được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia loại hình Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, nó đã trở thành niềm vinh dự, tự hào của người sản xuất nước mắm bản địa. Đó chính là nguồn động viên tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề, góp phần quảng bá cho một sản phẩm du lịch đặc trưng.
Vì thế, thay vì tính đến những chuyện xa xôi, hãy làm sao để di sản góp phần quan trọng vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và địa phương có di sản trở thành những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo nên bản sắc, thương hiệu, dấu ấn riêng.
Bình luận (0)