Nhưng đại dịch chưa có tiền lệ nên trong ứng xử của chúng ta về mọi vấn đề cũng chưa có một khuôn mẫu, quy chuẩn nào. Có lẽ có những lúc chúng ta phải chấp nhận vừa đi vừa dò đường vừa sửa sai và hoàn chỉnh.
Nông dân miền Tây thu hoạch khoai lang - Ảnh: NGỌC TRINH
Trong giai đoạn các địa phương phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, dù Thủ tướng đã lưu ý rõ việc điều hành không được cực đoan thái quá, không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh nhưng đại dịch ập đến đã tạo áp lực lớn với toàn bộ hệ thống. Các địa phương đối mặt với một nhiệm vụ chính trị rất khó khăn là phải bảo vệ tính mạng con người, sức khỏe của cộng đồng.
Bài học rút ra là chỉ cần chính quyền địa phương tư duy lại một chút thì câu chuyện vướng mắc lưu thông hàng hóa trong dịch có thể đã đỡ đi phần nào. Mặc dù có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng yếu tố liên kết vùng nhưng thực tế toàn vùng gồm 13 tỉnh, thành với 20 triệu dân chưa thật sự là một không gian có tính hệ thống như là một thực thể kinh tế.
Đây là dịp để chúng ta thử thách tư duy liên kết vùng, coi toàn vùng như một thực thể với hệ thống mạch máu liền lạc, thông suốt. Dịch bệnh không thể hết ngay, những dư âm khó khăn còn cần phải giải quyết để hướng đến sự phát triển bền vững mang tính chất một không gian kinh tế vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ hay mở rộng tới toàn khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên.
Một vấn đề khác là chính quyền cần thay đổi tư duy từ "kiểm soát - tuân thủ" khi ứng xử với doanh nghiệp (DN), chuyển sang cách cùng khảo sát để đưa ra kế hoạch hoạt động của mỗi nhà máy. Khi ấy, sẽ thỏa cả 2 mục tiêu: vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện an toàn. Bởi thực tế, cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc y tế... của mỗi DN rất khác nhau, chưa kể tâm lý công nhân cũng là vấn đề quan trọng.
Tôi thường nói với những DN đang bức xúc về chuyện sản xuất - kinh doanh, nhân công, đứt gãy thị trường, mất hợp đồng..., đặc biệt là DN xuất khẩu, cũng cần chia sẻ với lãnh đạo các địa phương vì đứng trước số ca F0 và số người tử vong tăng lên thì mọi quyết định đều đầy khó khăn. Ngược lại, lãnh đạo địa phương cũng phải tư duy, phải nghĩ như một DN với hàng loạt vấn đề như đứt nguồn hàng, lao động bỏ về quê, tiền vay ngân hàng phải trả... Nếu đổi vai cho nhau, tháo gỡ được những khó khăn, vận hành lại nền kinh tế sớm được một ngày thì DN vượt được khó khăn sớm 1 ngày. Việc sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh ở ĐBSCL là "thời gian vàng" mà cả hai phía đều phải chắt chiu, tiết kiệm để tạo ra động lực mới.
Trước khi sống chung với dịch bệnh, chúng ta phải chung sống cùng nhau. Tức là, địa phương, DN, thương lái, nông dân ngồi chung một bàn, đừng bên này muốn gỡ rối, bên kia lại làm rối hơn. Cũng giống như chính quyền, DN ngồi chung một chiếc xuồng để ra khơi; cần sự bản lĩnh, vững vàng; tạo thế cân bằng ngay trong cảm xúc và hành động để cùng nhau vượt qua sóng gió.
(*) Phát biểu tại tọa đàm sáng 14-9 do Báo Người Lao Động chủ trì, tổ chức (xem bài trang 8&9; tựa do Tòa soạn đặt)
Bình luận (0)