Chúng tôi hiện tạm thời tính toán kinh tế số cốt lõi của thành phố trên 3 nhóm hoạt động, gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa môtô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; nhóm ngành thông tin - truyền thông. Do mới tạm thời lấy được dữ liệu trong 2 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thông tin - truyền thông nên quy mô và tỉ lệ đóng góp của kinh tế số theo số liệu nêu trên chưa bao gồm nhóm ngành quan trọng là thương mại, dịch vụ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 16,5% trong tổng GRDP của thành phố và ngành thông tin - truyền thông chỉ đóng góp 5%. Còn lại phần rất lớn thuộc về thương mại, thương mại điện tử, logistics, tài chính - ngân hàng. Sắp tới, khi có đủ dữ liệu để bóc tách, tính toán, chắc chắn quy mô kinh tế số TP HCM sẽ là con số không hề khiêm tốn. Nếu không làm rõ điều này sẽ không thể hiện đầy đủ vai trò đầu tàu của TP HCM trong lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo.
Với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhằm xây dựng một đô thị thông minh phát triển nhanh và bền vững với dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại và giữ vững vị thế là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2025, GRDP bình quân đầu người của thành phố phải đạt 8.500 USD. Đây là con số rất thách thức bởi 2 năm liên tiếp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, GRDP bình quân đầu người của TP HCM chỉ là 6.500 USD. Nhưng chúng ta có thể làm được nếu phát triển được kinh tế số, hình thành nền kinh tế tri thức với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 7,5%-8%/năm.
Kinh tế số giúp nâng cao sức chống chọi cho những tình huống bất thường, bất ngờ. Thử hình dung khi TP HCM giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch Covid-19, nếu không có kinh tế số, công nghệ số thì mọi hoạt động kinh tế - xã hội sẽ bế tắc thế nào? Kinh tế số còn giúp thành phố chống tiêu cực, tham nhũng, tăng cường minh bạch hóa... Bởi vậy, mục tiêu của TP HCM là phấn đấu kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và 40% GRDP vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu, trước hết, thành phố cần làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân về việc ứng dụng công nghệ để trở thành công dân số, xây dựng chính quyền số. Tiếp theo, cần hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực có thể chuyển đổi số và có chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp số. Ngoài ra, cần đầu tư cho hạ tầng số, nhân lực số. Cuối cùng là phải tháo gỡ các vấn đề về thể chế, luật pháp, có quy định bảo đảm an toàn cho sử dụng công nghệ số cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bình luận (0)