Tại hội nghị về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mới đây, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục theo sát và có hướng tháo gỡ nút thắt về visa - vốn là rào cản đầu tiên và lớn nhất với ngành du lịch hiện nay. Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng khi triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu.
Theo một lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, mỗi ngày cơ quan chức năng xử lý khoảng 2.000 hồ sơ xin visa điện tử (e-visa) từ du khách quốc tế. Đây được xem là con số tích cực song với số visa xử lý như vậy, lượng du khách tối đa đến Việt Nam mỗi năm cũng chỉ đạt trên 700.000 lượt - bằng khoảng 20% tổng lượt khách quốc tế trong năm nay, chưa nói đến mức 10-18 triệu lượt sẽ đến nước ta trong năm 2023-2024 như mong muốn.
Ngành du lịch vốn kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ quyết sách của Chính phủ về việc mở cửa sớm du lịch quốc tế từ thời điểm 15-3-2022 nhưng nay lại "về sau" khi không đạt được mục tiêu. Với du khách từ những thị trường trọng điểm, chúng ta cấp visa chỉ trong 15 ngày - thời gian quá ngắn để giữ chân họ ở lại. Chúng ta muốn khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn nhưng chỉ cấp visa thời gian ngắn với điều kiện tiếp cận khá khó khăn. Trong khi đó, nhiều nước đã cấp visa tới 30-45 ngày, thậm chí như ở Thái Lan, du khách có thể lưu trú tới 90 ngày.
Để rộng cửa đón du khách quốc tế và giữ chân họ ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, đem lại lợi ích lớn hơn cho ngành du lịch và đất nước, cộng đồng doanh nghiệp du lịch kiến nghị nâng thời gian lưu trú cho khách có visa từ 15 lên 30 ngày ngay trong tháng 1-2023. Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng hơn khi khách có nhu cầu xin visa.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ chọn một số thị trường khách du lịch chủ chốt để miễn visa có thời hạn trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1-2023, nhằm tạo bước đột phá. Một nguồn khách đang có nhu cầu rất lớn về Việt Nam là Việt kiều về thăm quê hương sau 2 năm đại dịch cũng nên được miễn visa. Ngoài ra, cần triển khai các chiến dịch xúc tiến du lịch tại những thị trường trọng điểm...
Để du khách đến Việt Nam như kỳ vọng còn cần cải thiện về sản phẩm, dịch vụ, chất lượng du lịch; cần sự hỗ trợ về vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, hàng không... Thậm chí, cần xây dựng một gói tín dụng riêng cho du lịch vì đến nay, nhiều doanh nghiệp hầu như không tiếp cận được các gói hỗ trợ phục hồi sau dịch của Chính phủ hoặc chỉ được hỗ trợ nhỏ giọt với điều kiện rất khắt khe.
Chính phủ đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ đưa kinh tế Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng cao, phục hồi nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ngành du lịch cũng kỳ vọng có được những quyết sách để trở lại mạnh mẽ, đúng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian sớm nhất.
(Thái Phương ghi)
Bình luận (0)