Hoạt động này giúp các vấn đề được sáng tỏ hơn, cũng là cơ hội để Chính phủ và các thành viên Chính phủ giải trình.
4 lĩnh vực được Ủy ban Thường vụ QH lựa chọn để đưa vào chương trình chất vấn của kỳ họp này đều là những lĩnh vực "nóng" với nhiều vấn đề đặt ra. Đó không chỉ là những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành của nhà nước mà còn gắn liền và thúc đẩy trực tiếp tiến trình hồi phục kinh tế. Chẳng hạn, chính sách tài khóa thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, chính sách tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước điều hành hay đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, là vấn đề của ngành giao thông vận tải...
Vấn đề là làm sao để hoạt động chất vấn có hiệu quả thực chất? Đừng chất vấn cho có, đừng chất vấn xong rồi để đấy!
Quan trọng nhất là trách nhiệm giải trình của tư lệnh ngành, của Chính phủ. Có những vấn đề cần Chính phủ giải trình được để giải đáp thắc mắc, giải tỏa bức xúc cho không chỉ QH mà còn cử tri và toàn thể nhân dân. Chẳng hạn, với gói phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng, hiện có ý kiến cho rằng được thông qua quá nhanh nhưng giải ngân thì quá chậm. Đúng là có những nội dung chậm triển khai nhưng Chính phủ cũng cần giải trình thêm cho rõ rằng một phần tiền thuế không thu được của doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa mà Chính phủ đã ban hành, cụ thể là miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất..., cũng chính là tiền ngân sách đã đi vào guồng máy sản xuất của xã hội. Nếu không giải trình được, có thể Chính phủ sẽ bị "oan".
Một ví dụ khác cho thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần đi vào thực chất hơn nữa. Góp ý cho Luật Thú y, từng có đại biểu ở một kỳ họp QH cách đây mấy năm nêu rõ "một con gà đang "cõng" tới 14 loại phí, lệ phí". Tư lệnh ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn trong phần trả lời chất vấn đã nhận nhiệm vụ kiểm tra các loại phí, lệ phí trong ngành, tiến tới cắt giảm. Tuy nhiên, kết quả là không dễ cắt giảm các loại phí, lệ phí đó bởi quá trình thực hiện đã vấp phải những vấn đề đụng chạm đến chính sách. Không thể tham vọng chỉ qua một phiên chất vấn có thể hình thành được chính sách bởi rất khó có thể thực hiện trong thực tế hoặc khi thực hiện sẽ gặp rủi ro về pháp lý. Nói cách khác, một phiên chất vấn có ý nghĩa mổ xẻ và làm sáng tỏ vấn đề chứ không thể thay cho cả một quy trình làm chính sách.
Chất vấn và trả lời chất vấn với bản chất là tương tác trực tiếp cần đề cao sự đối thoại, giải trình hợp tình, hợp lý, để từ đó xây dựng hoặc chỉnh sửa chính sách cho phù hợp.
Về phía đại biểu QH, cần nâng cao trình độ, chất lượng, năng lực đặt vấn đề sâu sắc, thời sự, sát sườn với đời sống xã hội. Về phía Chính phủ và các thành viên, cần nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm trong điều hành, quản lý ngành cũng như trách nhiệm với cử tri, nhân dân. Cả hai phía cần hiểu được tầm quan trọng của quy trình thủ tục, điều hành thể chế cũng như sự tương tác dân chủ.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)