Công trình số 09 (lô B khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) dù đang bị đình chỉ nhưng chủ đầu tư vẫn cho công nhân thi công rầm rộ hôm 3-1. Ảnh: HUY THANH
Yếu kém đã quá rõ, vì những vi phạm tại công trình này như thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp… thì chính chủ đầu tư cũng thừa nhận nhưng việc xử lý sai phạm thì đến nay vẫn chưa dứt điểm.
Yếu kém vì UBND TP Hà Nội từng có Văn bản 8243/VP-ĐT, ngày 4-8-2021, yêu cầu UBND quận Cầu Giấy khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm vi phạm, báo cáo trước ngày 15-8-2021; tiếp đó, ngày 10-12-2021, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 13634 yêu cầu UBND quận Cầu Giấy nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP, báo cáo kết quả trước ngày 22-12-2021, nhưng đến nay vi phạm vẫn còn nguyên và công trình vẫn cấp tốc được hoàn thiện.
Hà Nội cũng từng có 2 vụ khác cũng được dư luận quan tâm về vi phạm trong TTXD. Một vụ là công trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực ở quận Ba Đình, xây vượt tầng và vượt chiều cao so với giấy phép. Một vụ là vi phạm trong trật tự xây dựng trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn mà theo kết luận của đoàn thanh tra liên ngành TP Hà Nội thì thời điểm đó tại Sóc Sơn có 2.915 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng. Vụ ở tòa nhà 8B Lê Trực đến cuối năm 2020 mới cơ bản xử lý xong. Vụ ở Sóc Sơn thì đến nay việc xử lý vi phạm vẫn chưa dứt điểm được do nhiều lý do.
Yếu kém trong quản lý TTXD là tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương chứ không riêng Hà Nội. Cũng như việc xử lý vi phạm ở tòa nhà 8B Lê Trực, nhiều địa phương phải rất khó khăn mới xử lý được vi phạm đối với một số công trình.
Khó khăn vì nhiều lý do, thậm chí có cả việc cán bộ có trách nhiệm xử lý nhưng cố tình tìm cách để hợp thức hóa vi phạm, nhưng nơi nào kiên quyết thì vẫn xử lý được, dù như vụ ở tòa nhà 8B Lê Trực là phải mất gần tròn 9 năm. Nhà nước pháp quyền thì không thể chịu thua trước hành vi vi phạm pháp luật của một vài cá nhân.
Ở công trình xây dựng tại phường Yên Hòa cũng vậy, nếu kiên quyết xử lý thì không thể là một việc khó như cách trả lời của một số cán bộ ở đây. Nhưng thực tế thì đã kéo dài gần một năm tròn vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Dây dưa trong xử lý ở vụ này đang góp thêm vào một tiền lệ xấu trong quản lý TTXD ở nước ta. Đó là cứ cố tình vi phạm, chấp nhận xử phạt để tiếp tục tìm cách thi công cho đến khi hoàn thiện, rồi tìm cách "chạy" hợp thức hóa hành vi vi phạm bằng các hình thức xin điều chỉnh giấy phép. Khi không thể "chạy" được thì chấp nhận phá bỏ, gây ra nhiều hệ lụy cho việc cưỡng chế, tháo dỡ.
Đây không chỉ đơn giản là hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, mà là cố tình vi phạm. Điều đó chỉ xảy ra khi thẩm quyền xử lý được "trao nhầm" vào tay những cán bộ hoặc yếu kém về năng lực, về trách nhiệm công vụ, hoặc không yếu kém nhưng cố tình tiếp tay cho sai phạm.
Bình luận (0)