Theo báo cáo khảo sát khó khăn của doanh nghiệp (DN) và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có thể làn sóng sa thải NLĐ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của DN. Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 DN được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 6-2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng thời gian tới có thể tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động, nhất là những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu. Thời điểm đó cả nước có 51,2 triệu lao động; số lao động thất nghiệp chính thức là 297.000 người; giãn việc, mất việc trên 506.000 người.
Từ đó có thể thấy thị trường lao động trong những tháng cuối năm sẽ không phải là bức tranh sáng màu. Theo Tổng cục Thống kê, hiện thị trường lao động Việt Nam đối diện 5 hạn chế. Một là, thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của NLĐ không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thấp. Trong khi đó, số lượng lao động ở khu vực phi chính thức ngày càng lớn, trong đó có nguyên do chủ yếu từ việc DN công nghiệp cắt giảm lao động. Hai là, DN thiếu đơn hàng từ cuối năm 2022 kéo dài đến nay làm hàng trăm ngàn NLĐ bị giảm giờ làm, mất việc làm. Ba là, lao động có việc làm tăng nhưng tỉ lệ thiếu việc làm quý II/2023 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Trong đó, NLĐ ở vùng Đông Nam Bộ chịu tác động nặng nề nhất. Bốn là, tốc độ tăng thu nhập của NLĐ bị sụt giảm. Năm là, số người thất nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2023 tăng.
Cung cầu không tương xứng cũng là một phần thực trạng thị trường lao động hiện nay. DN muốn tuyển lao động có tay nghề nhưng nhiều NLĐ mất việc lại không đáp ứng được yêu cầu, không có kỹ năng mà DN cần. Đa số NLĐ mất việc, giãn việc là lao động giản đơn, tuổi đời khá cao, thiếu kỹ năng chuyên môn, kỹ năng bổ trợ nên việc họ trở lại thị trường lao động là điều khó khăn, thậm chí với nhiều người là rất xa vời.
Những ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp thời gian qua đã hiện hữu như rút BHXH một lần gia tăng, nhiều người vướng vào vòng xoáy tín dụng đen. Dù nhà nước thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ qua các khoản trợ cấp, gói an sinh xã hội, song để NLĐ tự tạo việc làm, có việc làm ổn định mới là yếu tố quan trọng, bền vững. Do đó, cần nhiều hơn các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu hay hỗ trợ vay vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào… để góp phần giúp DN phục hồi, giữ việc làm cho NLĐ.
Tính dự báo, sự định hướng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm lúc này cần phát huy cao nhất, đào tạo và đào tạo lại NLĐ về chuyên môn và kỹ năng nghề, giúp họ trở lại thị trường lao động. Riêng NLĐ phải nỗ lực thích ứng để không bị đào thải, trụ lại với năng lực và ý chí của bản thân.
Bình luận (0)