xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị trường lao động đảo chiều

HƯƠNG HUYỀN

Trong lúc nhiều doanh nghiệp tại TP HCM cơ cấu lại lao động do gặp khó khăn về đơn hàng thì một số doanh nghiệp ở các tỉnh lại tuyển không ra lao động

Nếu như mọi năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM phải tìm đủ mọi cách để tuyển lao động nhằm bù đắp vào số nghỉ việc thì năm nay tình hình đã đảo chiều. Theo ghi nhận của chúng tôi, sự biến động lao động đầu năm tại các DN không lớn, do nhiều đơn vị vẫn còn gặp khó khăn về đơn hàng nên không tuyển mới, thậm chí còn cắt giảm lao động.

Nhảy việc ít hơn

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết hằng năm sau Tết Nguyên đán nhà máy bị hụt 10%-15% lao động, do công nhân (CN) chuyển đổi công việc hoặc về quê không quay trở lại.

Để tuyển người, công ty phải về các tỉnh nhờ giới thiệu, thậm chí đưa máy may, vải… về các địa phương để đào tạo tại chỗ nhưng vẫn không tuyển đủ. Tuy nhiên, năm nay tỉ lệ biến động lao động sau Tết khá thấp, chỉ khoảng 1,8%. "Hiện ngành dệt may đang gặp khó khăn về đơn hàng, các DN cũng hạn chế việc tuyển dụng, do đó người lao động (NLĐ) nhảy việc ít hơn mọi năm. Mặt khác, trong quý I/2023, lượng đơn hàng của công ty cũng chưa hồi phục hoàn toàn nên DN không có kế hoạch tuyển thêm" - ông Tuấn nói.

Thị trường lao động đảo chiều - Ảnh 1.

Người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Trước Tết Nguyên đán 2023, Công ty TNHH W.V (quận 12, TP HCM) đã thông báo tuyển khoảng 100 CN để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thế nhưng, sau khi tuyển 30 người thì đơn hàng đột ngột giảm sút, buộc công ty ngưng tuyển. Sắp tới, nếu đơn hàng không hồi phục, có khả năng NLĐ sẽ được bố trí nghỉ việc luân phiên vào thứ bảy hằng tuần (trừ vào phép năm).

Trước đây, Công ty TNHH D.S (huyện Củ Chi, TP HCM) có 3 nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc đặt tại các quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Củ Chi, TP HCM, sử dụng hàng ngàn lao động. Năm 2017, công ty xây dựng một nhà máy có quy mô lớn (dự kiến sử dụng khoảng 10.000 lao động) tại tỉnh Long An, song khi đi vào hoạt động thì gặp khó trong việc tuyển lao động. Để giải quyết tình thế này, công ty đã vận động CN tại các nhà máy ở TP HCM về Long An làm việc (giữ nguyên bậc lương, hỗ trợ xe đưa đón...). Sau Tết, đơn hàng của DN bị giảm mạnh, dự kiến đến cuối năm 2023 mới có thể phục hồi nên sẽ cắt giảm hơn 800 lao động.

Doanh nghiệp các tỉnh hụt đầu vào

Trong lúc nhiều DN tại TP HCM cơ cấu lại lao động do gặp khó khăn về đơn hàng, một số DN ở các tỉnh đã vào TP HCM tuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề. Đơn cử như Công ty TNHH May mặc Leading Star Thanh Hóa (có nhà máy đặt tại KCN Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), treo thông tin tuyển dụng CN may và CN học may ở Quốc lộ 13, khu vực tiếp giáp Bình Dương - TP HCM.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Leading Star Thanh Hóa, cho biết hiện DN đang cần tuyển 3.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Với số lượng lớn sẽ khó tuyển dụng đủ ở địa phương nên đã rao tuyển thêm tại TP HCM, nơi có nhiều lao động bị mất việc do các DN giảm đơn hàng. "Với những lao động có kinh nghiệm, nhà máy sẽ kiểm tra tay nghề và xếp bậc A, B, C để bảo đảm lương căn bản phù hợp. Ngoài ra, NLĐ được tham gia đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phụ cấp khác" - bà Oanh nói.

Mới đây, hay tin Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) cắt giảm gần 1.200 lao động, Công ty TNHH Vina O’Shoe (KCN Quang Minh, TP Hà Nội) cũng đã liên hệ cơ quan chức năng TP HCM kết nối để tuyển số lao động này. Đại diện công ty cho hay DN nhận được nhiều đơn hàng nên mở rộng quy mô sản xuất và cần tuyển thêm số lượng lớn lao động. Thời gian qua, công ty liên tục tuyển lao động nhưng tuyển được khá ít.

Nguyên nhân là hiện NLĐ có xu hướng tìm việc tại tỉnh nhà. Còn tại TP Hà Nội rất ít lao động phải nghỉ việc do giảm đơn hàng như ở TP HCM nên nguồn tuyển lao động cũng hạn chế. Bên cạnh đó, ngoài lao động phổ thông làm việc giản đơn, công ty rất cần NLĐ có kinh nghiệm, tay nghề trong ngành sản xuất giày da nhưng kiếm không ra người.

"Chúng tôi mong muốn kết nối với những lao động bị mất việc tại TP HCM, kể cả những lao động không thường trú ở miền Bắc. Ngoài mức lương trung bình từ 7-12 triệu đồng/tháng, công ty sẽ hỗ trợ chỗ ở và bảo đảm đầy đủ các chế độ cho NLĐ" - đại diện công ty cho hay.

Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tăng cao

Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, năm 2023 nhu cầu nhân lực tại TP HCM cần khoảng 280.000 - 320.000 lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động đã qua đào tạo và tập trung ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu như: thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế. Có trình độ đại học trở lên chiếm 20,19%; cao đẳng 9,55%; trung cấp 28,64%; sơ cấp 17,4% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,22%...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo