Dù đến cuối năm các doanh nghiệp (DN) sẽ nỗ lực chi trả khoản nợ này, song vẫn không ít DN chây ì không nộp hoặc đã giải thể, phá sản hay có chủ bỏ trốn. Tình trạng này tạo nên hậu quả nặng nề là ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).
Đây là vấn đề không phải mới mà là thực trạng dây dưa hàng chục năm qua, không thể giải quyết dứt điểm. Trước đây, không ít DN ngành dệt may - da giày, mỗi nơi thường tuyển dụng hàng ngàn lao động vào làm việc song cứ lần lữa, không ký hợp đồng lao động để né tránh đóng BHXH. Công nhân khi đau ốm, khám chữa bệnh không có thẻ BHYT, không được thanh toán BHYT. Khi ký hợp đồng lao động thì trên danh nghĩa là có trích từ lương của NLĐ để đóng BHXH nhưng thực tế DN chiếm dụng khoản này để làm việc khác, không nộp cho cơ quan BHXH. Đến khi NLĐ bị đau yếu, bệnh tật mới biết mình không được đóng BHXH. Trường hợp DN làm ăn bết bát, giải thể, phá sản thì khoản tiền bị chiếm dụng của NLĐ cũng mất theo, thời gian tham gia BHXH của NLĐ coi như không có dù nhiều năm đổ mồ hôi sôi nước mắt làm việc và ngỡ rằng mình được đóng BHXH đầy đủ.
Khi Luật BHXH năm 2014 ra đời, tình hình thu chi BHXH có nhiều cải thiện, nhất là những nỗ lực hoạt động của hệ thống BHXH Việt Nam. Những bất cập của luật cũng đã được chỉ ra và đang trên lộ trình sửa Luật BHXH theo hướng tiến bộ, phù hợp yêu cầu phát triển hơn, nhất là các quy định về nghỉ hưu, trợ cấp... Số DN, số lao động xã hội tham gia BHXH ngày càng nhiều hơn, BHXH càng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, mức đóng BHXH đối với người sử dụng lao động hiện nay gồm hưu trí và tử tuất 14%, ốm đau và thai sản 3%, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1% (hoặc 0,5%), bảo hiểm thất nghiệp 1% và BHYT 3%, chiếm tỉ trọng khá lớn trong chi phí tiền lương nên tiếp tục diễn ra tình trạng nợ dây dưa, trốn đóng BHXH.
Theo quy định của luật, các trường hợp nộp chậm BHXH từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT bị khóa, NLĐ không được hưởng quyền lợi BHYT; trách nhiệm của DN là hoàn trả chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng, song để đòi được quyền lợi này là chuyện không dễ chút nào. Các quyền lợi khác nếu đúng luật sẽ được xác nhận, số tiền BHXH sau khi thu hồi sẽ bổ sung vào sổ của NLĐ, cũng lại là một việc đầy khó khăn. Nói cách khác, hầu như NLĐ nắm đằng lưỡi trong quan hệ về quyền lợi BHXH, họ luôn ở phía thiệt thòi, quyền lợi đi sau và thậm chí không bao giờ theo kịp, dù đây là quyền lợi chính đáng, được luật định rõ ràng.
Để khắc phục, chỉ có giải pháp mạnh tay là chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Đến nay đã có gần 300 hồ sơ của DN được BHXH của hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước chuyển đến cơ quan công an. Hy vọng biện pháp này sẽ tạo chuyển biến, đem lại quyền lợi cho NLĐ, dù muộn vẫn còn hơn không.
Bình luận (0)