Tự Đông là ngôi đình từ thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) còn gần như nguyên bản, rất hiếm trên địa bàn TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Thế nhưng, ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này bỗng được sơn phết cả một mảng tường bên ngoài bằng một bích họa lớn, chỏi hoàn toàn với nét cổ kính vốn tồn tại mấy trăm năm qua.
Nghiêm trọng hơn sự xâm hại ở đình Tự Đông là dự án "trùng tu, tôn tạo" đền Lê Văn Hưu ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền này thờ nhà sử học Lê Văn Hưu đời Trần, tác giả bộ "Đại Việt sử ký". Một trong những điểm độc đáo ở đền thờ Lê Văn Hưu là giếng Ngọc - suốt hàng trăm năm nay luôn đầy nước cho dù trong vùng hạn hán đến mức nào. Vậy mà, giếng Ngọc đã bị phá bỏ, xây mới thành giếng nhỏ hơn trước nhiều.
Những gì xảy với đình Tự Đông và đền Lê Văn Hưu khiến dư luận không khỏi bức xúc, bất bình. Sau khi báo chí phản ánh, những người có trách nhiệm đã "chữa cháy" bằng cách sơn phủ lên bức bích họa trên tường đình Tự Đông. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa biết cách ứng xử tiếp theo đối với việc "trùng tu, tôn tạo" di tích lịch sử cấp quốc gia đền Lê Văn Hưu. Cho dù "sửa sai" cách nào thì 2 di tích lịch sử - văn hóa có tuổi đời hàng trăm năm này cũng đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Những gì diễn ra tại đình Tự Đông và đền Lê Văn Hưu là sự xâm hại mới nhất đối với các di tích lịch sử - văn hóa ở nước ta - một vấn đề từng được cảnh báo, báo động thời gian qua khi xảy ra nhiều sự việc tương tự. Với danh nghĩa "trùng tu, tôn tạo" song nhiều lúc, nhiều nơi, thực tế cho thấy chẳng khác nào xâm hại di tích.
Tất nhiên, do thời gian cũng như nhiều yếu tố khác như thời tiết, sự tác động của con người…, không ít di tích được xếp hạng bị xuống cấp, hư hỏng cần được trùng tu, tôn tạo. Để bảo đảm giữ gìn tối đa nguyên trạng các di tích, Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ: "Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích...". Một trong những yêu cầu nghiêm ngặt được quy định rõ trong luật là "các tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (đối với tổ chức) và chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân)".
Đã có không ít di tích lịch sử - văn hóa sau khi được trùng tu, bảo tồn lại chẳng khác gì "bị" làm mới, thậm chí làm cho biến dạng, khiến giới chuyên môn phải thốt lên: làm như thế là trùng tu hay xâm hại?
Thiết nghĩ, để tránh cảnh di tích bị "xâm hại hợp pháp" như thời gian qua, trước hết phải công khai, minh bạch mọi dự án trùng tu, tôn tạo theo đúng quy định pháp luật. Bất cứ sự trùng tu, tôn tạo nào làm ảnh hưởng di tích như đối với đình Tự Đông hay đền Lê Văn Hưu, cần phải có cách chế tài, xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe.
Bình luận (0)