Quyết định cứng rắn của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho thấy thái độ cương quyết với việc lập lại kỷ cương xây dựng trong lĩnh vực giao thông.
Nhưng sự ì ạch không chỉ dừng lại ở dự án trên. Trong báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, hiện trong 10 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang triển khai, 6 dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến ngày 18-10, dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63,4 km) có khối lượng thực hiện đạt 68,4% giá trị hợp đồng, chậm 1,4%; dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo đạt 47,74% giá trị hợp đồng, chậm 5,3% so với kế hoạch điều chỉnh; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt khối lượng thực hiện dự án đến nay đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng, chậm 5,1% so với tiến độ điều chỉnh… Một trong những nguyên nhân chính là do hàng loạt nhà thầu yếu kém, thi công rất chậm.
Những cái giá phải trả cho việc thi công ì ạch các dự án giao thông cực kỳ lớn và hiển hiện trước mắt. Chỉ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thôi đã gây ra bao hệ lụy. Di chứng của nó còn kéo dài rất lâu với những khoản nợ lớn.
Nguyên tắc bất biến là muốn phát triển kinh tế - xã hội thì giao thông phải đi trước một bước. Chúng ta đã không còn kiên nhẫn với những nhà thầu ì ạch, thi công rùa bò làm chậm tiến độ của các dự án trọng điểm, qua đó gián tiếp làm giảm hiệu quả của dự án. Đây là thời điểm gấp rút thực hiện hàng loạt tuyến cao tốc từ Bắc tới Nam để phục vụ các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn mới. Làm chậm tiến độ của dự án ngày nào thì sẽ tác động dây chuyền tới kế hoạch chung của quốc gia ngày ấy. Thiệt hại không chỉ là chậm lưu thông xe cộ mà còn "kéo chân" các kế hoạch kinh tế - xã hội khác.
"Trảm" là việc cần làm và hơn thế, cần rà soát lại năng lực của các nhà thầu hiện tại. Ai cũng biết các dự án giao thông luôn được ưu tiên. "Tiền tươi thóc thật", Chính phủ luôn đôn đốc ưu tiên giải ngân và tạo mọi điều kiện cần thiết để nhanh chóng đưa các dự án vào sử dụng. Không có lý do gì để biện giải cho sự trì trệ của các dự án nữa. Làm việc phải thực chất chứ không thể hứa hẹn đủ điều rồi khi trúng thầu lại lững thững làm theo kiểu đằng nào tiền cũng vào túi mình.
Trong hợp đồng thi công và pháp luật hiện hành quy định rất rõ những hình thức xử lý nếu nhà thầu không đạt tiến độ: Nhẹ thì cảnh cáo, giảm khối lượng thi công. Nặng hơn thì cắt hợp đồng, thay thế nhà thầu, thậm chí là cấm tham gia đấu thầu có thời hạn trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Nhưng trách nhiệm của việc chậm trễ tiến độ không chỉ là nhà thầu thi công. Cần phải nêu cụ thể trách nhiệm của ban quản lý dự án, trách nhiệm chủ đầu tư, cơ quan giám sát…
Bộ GTVT đã nói nhiều rồi, cảnh cáo nhiều rồi. Người dân yêu cầu là làm thôi, không cần phải nói nữa để loại bỏ các nhà thầu yếu kém, thay thế bằng các nhà thầu đủ năng lực thực hiện những dự án trọng điểm của quốc gia.
Bình luận (0)