Còn rất nhiều người lao động (NLĐ) có tay nghề về quê chưa quay trở lại. Cung - cầu trên thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 có những biến động, chưa khớp nối một cách liền lạc.
Tác động của đại dịch lên nguồn lao động là rất lớn. Tính đến cuối tháng 3-2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51 triệu, giảm 200.000 người so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 600.000 người so với năm 2019. Tỉ lệ người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp là gần 40%, trong đó có 37,2% người có trình độ đại học trở lên...
Hiện trạng chất lượng nguồn lao động Việt Nam cũng đáng lo. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan, thấp hơn nhiều so với những đối tác đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN. Tỉ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 26%, khiến một bộ phận NLĐ khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều DN không tuyển được nhân sự phù hợp.
Cung - cầu trên thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 có những biến động, chưa khớp nối một cách liền lạc. Ảnh: Hoàng Triều
Qua đại dịch, nhiều NLĐ thất nghiệp, đi tìm lại việc làm phù hợp không phải là chuyện dễ dàng khi nhu cầu tuyển dụng không còn phong phú như trước do nhiều DN thu hẹp sản xuất. Một sự thay đổi nghề nghiệp để thích nghi, học nghề mới để tìm việc làm là giải pháp cần thiết với những lao động trẻ vừa bị đẩy ra khỏi chỗ làm.
Cha ông ta từng nói "Ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay". Vấn đề là NLĐ phải quyết chí để có được trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề đủ giỏi, giúp họ đứng vững trên thị trường lao động. Lâu nay, chúng ta thường nói đến rất nhiều giải pháp về đào tạo và đào tạo lại, nhất là từ các nguồn quỹ như quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nơi đào tạo là các trường nghề.
Thực tế, chất lượng các trường nghề chưa cao, rất hiếm trường đạt mặt bằng chất lượng như Trường Kỹ thuật Cao Thắng ở TP HCM, học sinh tốt nghiệp là được DN nhận về. Tất nhiên, DN nào cũng đào tạo lại cho lao động tiếp nhận nhưng với những lao động này thì thời gian đào tạo lại ngắn hơn vì họ tiếp thu nhanh, có sẵn kiến thức nền và kỹ năng lao động tốt.
Mặt khác, tự thân từng NLĐ phải xác định ngành nghề để học, phù hợp nhu cầu thị trường lao động và không ngừng trau dồi chuyên môn, kỹ năng trong quá trình học và khi đã vào nhà máy. Đó là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của từng cá nhân để thăng tiến trong nghề nghiệp và đời sống. Càng nhiều người nỗ lực thì mặt bằng chất lượng nguồn lao động Việt sẽ cải thiện.
Chúng ta sẽ đứng trước thực trạng thiếu lao động khi không còn cơ cấu dân số vàng. Do đó, phải hiện thực hóa mục tiêu giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cả nước tiếp tục tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới, hơn 19 triệu lượt người được đào tạo nghề, góp phần đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025... Nếu không quyết liệt và có giải pháp khả thi, mục tiêu sẽ trở nên xa vời và duy ý chí.
Bình luận (0)