Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét, cân nhắc tăng mức xử phạt ít nhất ngang với trung bình các nước trong khu vực.
Khẳng định trên của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp Quốc hội hôm 4-11 đã cho thấy quyết tâm của cơ quan này đối với tình trạng tin giả, tin độc hại đang lan tràn hiện nay.
Tình trạng tin giả bùng phát không phải là điều khó dự đoán. Nó đã manh nha từ khi các mạng xã hội phát triển và kết nối với thế giới. Những nước sớm phát triển công nghệ thông tin đã trả giá đắt và không ngừng cảnh báo khi các mạng xã hội vừa mở rộng sang các nước khác. Tùy từng quốc gia, những cảnh báo này được tiếp nhận và học hỏi kinh nghiệm xử lý nhưng thông thường là đi sau hậu quả to lớn từ thực tiễn.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Một vụ Nguyễn Phương Hằng đã gây mất an ninh trật tự trong cả thời gian dài. Hàng loạt vụ tung tin giả khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chính sách điều hành kinh tế - xã hội của quốc gia.
Thông tin với báo chí vào cuối tuần trước, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng công an đã khởi tố, điều tra 527 vụ phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với năm 2021. Với các hành vi đăng tin sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, các cơ quan chức năng đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt 455 đối tượng, răn đe 1.500 đối tượng khác.
Những con số trên rất đáng ngại nhưng đó cũng chỉ là một phần của thực trạng đang diễn ra. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu ra: Ngành TT-TT đã ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu như không ngăn chặn thì sẽ có hơn 3 triệu người truy cập vào các trang web này, xác suất bị lừa đảo là rất lớn.
Qua thống kê của các cơ quan chức năng cũng cho thấy hầu hết thông tin giả không ngoài động cơ trục lợi. Một phần cá nhân là hám danh tung tin lôi kéo người xem để qua đó kiếm lợi từ số lượng người theo dõi. Nhưng cũng không ít thông tin giả được tổ chức bài bản nhằm lừa đảo người tiêu dùng, triệt hạ doanh nghiệp đối thủ, thậm chí là bôi nhọ chính sách của nhà nước để lợi dụng thời cơ trục lợi. Sự đáng sợ của tin giả nằm ở chỗ nói một lần không đáng tin, nói nhiều lần sẽ gây nghi ngờ và lặp lại nhiều lần nữa sẽ có người sập bẫy.
Kêu gọi người dân cảnh giác, nhắn nhủ người sử dụng mạng xã hội phải có ý thức… chỉ là các biện pháp tuyên truyền. Đã xác định tung tin giả, độc hại là hành vi gây hại xã hội thì phải xử lý bằng công cụ pháp luật. Những vụ vi phạm rất nhiều, dễ lan truyền trên không gian mạng nên không thể chạy theo xử lý từng sự vụ. Chỉ có những vụ án điểm, mức xử phạt nghiêm khắc, kể cả phạt tù… mới có thể tạo được sự răn đe đối với những người vụ lợi bất chấp hậu quả.
Nói vậy để thấy quan điểm nâng mức trị tin giả của Bộ trưởng Bộ TT-TT là hoàn toàn phù hợp thực tế, là cấp thiết.
Bình luận (0)