Tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông tại ĐBSCL là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc khai thác cát tràn lan là một trong những thủ phạm chính và trực tiếp. Đó cũng chính là "nhân tai", từng bị nhiều nhà khoa học vạch mặt chỉ tên, nay cần phải xử lý cương quyết, mạnh tay hơn nữa.
Hàng trăm vụ bị phát hiện, xử lý mỗi năm chưa phản ánh đúng thực trạng khai thác cát trái phép. Chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã và đang thể hiện quyết tâm chống "cát tặc". Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép. Nhưng tại sao đến nay, tình trạng này chưa được ngăn chặn hiệu quả; hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng?
Rõ ràng, một số "lỗ hổng", "khoảng trống trách nhiệm" đang tồn tại khi có sự chồng chéo giữa các bên trong việc quản lý khai thác cát nên dễ bị "cát tặc" lợi dụng. Do đó, cần tăng cường phối hợp quản lý và minh bạch hóa hoạt động khai thác cát để người dân giám sát.
Bên cạnh đó, cần truy xuất nguồn gốc cát, lần theo đường đi của những hóa đơn không xuất phát từ các mỏ được phép khai thác mà từ các vỏ bọc, ăn chia lợi ích. Cần đưa ra yêu cầu bắt buộc định vị phương tiện khai thác cát; sử dụng triệt để công nghệ, thiết bị theo dõi, nhận diện và truy nguyên nguồn gốc cát để loại trừ, góp phần chống "cát tặc".
Để ngăn ngừa tình trạng khai thác cát trái phép, không chỉ cần siết chặt quản lý, tăng cường chế tài xử phạt mà còn cần các giải pháp đồng bộ. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông và đáp ứng nhu cầu xây dựng. Vì vậy, cơ quan chức năng phải xác định cho được khu vực nào, khai thác thế nào là khoa học và hợp lý.
Ngoài ra, cần tìm ngay vật liệu thay thế cát và áp dụng tiêu chuẩn "trách nhiệm xã hội, môi trường", cụ thể hóa thành quy chuẩn ngành xây dựng. Theo đó, khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng thay thế cát; áp dụng tiêu chí "truy xuất nguồn gốc" đối với tất cả công trình xây dựng sử dụng vật liệu cát tự nhiên.
Với tình trạng sạt lở do khai thác cát tràn lan, giải pháp dài hạn là phải xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu cho mỗi địa phương và cả vùng ĐBSCL. Song song đó, rà soát lại quy hoạch xây dựng, giao thông, thủy lợi để có điều chỉnh hợp lý, bảo đảm sự an toàn về nhà ở cho người dân và các công trình.
Thay vì "mất bò mới lo làm chuồng", sạt lở rồi mới di dời, cơ quan chức năng địa phương có thể rà soát những điểm nguy cơ cao và quy hoạch lại các cộng đồng dân cư, tạo hành lang an toàn cho bờ sông. Nếu chỉ dừng lại ở các giải pháp tạm thời, trước mắt, người dân miền Tây sẽ khó bao giờ hết cảnh "bị đuổi" bởi các dòng sông đang bị tổn thương do "cát tặc".
Bình luận (0)