Thế nhưng, nếu so sánh với con số 3.000 sông, kênh, rạch hiện hữu bao quanh thành phố đang ngày đêm làm nhiệm vụ cấp thoát nước, lưu thông, điều tiết khí hậu thì mới thấy những điểm sạt lở trên là rất nhỏ.
Thành phố năng động này được hình thành bởi sự thuận lợi về mặt giao thương, sinh sống dọc sông, kênh, rạch, nhất là sông Sài Gòn. Với hệ thống sông, kênh, rạch như trên thì chuyện sạt lở là rất bình thường và thực tế cả chiều dài lịch sử phát triển thành phố nó đã sạt lở không biết bao nhiêu lần. Sạt lở chỉ mang tính báo động khi uy hiếp đến các khu dân cư sát bờ - nơi mà lẽ ra là hành lang bảo vệ sông ngòi.
Trong quá trình phát triển dân cư ngày xưa, hầu hết các địa phương chiều theo định cư tự phát. Có nghĩa dân cư đến đâu, lập hộ khẩu xác định đất đai canh tác, định cư ở đó. Ven sông là nơi thuận lợi đi lại, buôn bán nên thường cũng trở thành nơi tập trung dân cư đông đúc nhất. Những thập kỷ gần đây, ven sông là nơi lấn chiếm định cư, bởi đất đai ngày càng eo hẹp, khó mở rộng nơi sinh sống. Bởi vậy, mỗi lần cải tạo bờ sông, kênh, rạch là một lần khó và chi phí giải tỏa đền bù rất lớn.
Thực tế đã diễn ra thì phải có giải pháp tương ứng, bây giờ phải làm quyết liệt. Trước mắt thì không có biện pháp nào tốt hơn là phải làm kè. Về lâu dài, chúng ta phải cắm mốc hành lang bảo vệ toàn bộ tuyến sông, kênh, rạch. Riêng tuyến sông Sài Gòn, được cắm mốc hành lang bảo vệ dài 72 km từ cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) đến giáp tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt với thành phố năng động như TP HCM thì đây là cơ hội để làm thay đổi diện mạo và bước lên nấc phát triển mới. Trong đó, quy hoạch phát triển đường ven sông Sài Gòn kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đưa ra đã cho thấy tầm vóc của hệ thống giao thông này và triển vọng đẹp đẽ của nó. Đây không chỉ là tuyến đường du lịch hấp dẫn mà còn góp phần giải tỏa áp lực cho hệ thống đường bộ hiện hữu.
Trước mắt phải thấy được hệ thống sông, kênh, rạch này đang bị xâm lấn nghiêm trọng mà cho đến nay nhiều địa phương không kiên quyết ngăn chặn. Mỗi ngày nhưng con sông, kênh, rạch đẹp đẽ này phải gánh không biết bao nhiêu là lượng nước thải ô nhiễm. Nhiều con rạch bị san lấp để chiếm dụng mặt bằng. Nhiều bến bãi tự phát lấn chiếm sông rạch làm nhưng vẫn tồn tại… Vấn đề này không thể để tồn tại nếu muốn bảo vệ sông, kênh, rạch.
Số tiền chống sạt lở trên các tuyến sông, kênh, rạch là câu chuyện rất nhỏ so với lợi ích mà nó mang lại. Nên vấn đề quan trọng hơn chính là phải đặt việc chống sạt lở vào trong quy hoạch phát triển chung của sông, kênh, rạch, nhất là sông Sài Gòn để bảo đảm từng công đoạn đầu tư xây dựng đều mang lại giá trị cho tổng thể. Sông Sài Gòn là mạch sống của thành phố. Dù muộn màng nhưng chúng ta phải có kế hoạch tổng thể và lâu dài bảo vệ dòng sông này. Kế tiếp mới có thể đủ tự tin để phát triển những giá trị mà nó cũng như những con sông, kênh, rạch khác mang lại để phục vụ chính người dân nơi sông, kênh, rạch chảy qua.
Bình luận (0)