Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Hai việc khác nhau nhưng cùng liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở cơ sở y tế.
Bộ Y tế công bố qua khảo sát: 28/34 sở y tế và 12/21 BV tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc, gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc điều trị sốt xuất huyết...; 26/34 sở y tế và 15/21 BV tuyến trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 sở y tế và 8/21 BV tuyến trung ương thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...
BV tuyến trung ương mà còn thiếu thì BV tuyến dưới chắc chẳng khá hơn. Tất nhiên đủ thì khó mong nhưng thiếu đến mức các BV phải lên tiếng thì công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chắc chắn sẽ ảnh hưởng.
Nhiều lý do được Bộ Y tế đưa ra để lý giải tình trạng này, trong đó có "tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm", "có những nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn".
Với đề xuất của Bộ Y tế trình Thủ tướng lần này, mục đích chính là tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, bảo đảm việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế..., rất cần nhìn ở 2 góc độ.
Về thủ tục, quy định liên quan đúng là nhiều nội dung còn chưa chặt chẽ, thiếu, thậm chí lạc hậu so với thực tiễn nên rất cần bổ sung, điều chỉnh. Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn.
Nhưng có phải đúng là do thủ tục, quy định chưa theo kịp thực tiễn mà nảy sinh tình trạng "lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm" hay "e ngại trong việc cung ứng hàng hóa"?
Cần sòng phẳng để thấy lâu nay vẫn cơ chế đó, thuốc và vật tư, trang thiết bị vẫn thiếu nhưng tại sao không gay gắt đến mức báo động như vừa rồi? Phải chăng do bây giờ cơ hội "bắt tay" của các cơ sở y tế với các đầu mối cung ứng đã không còn dễ dàng như trước?
Vì vậy, rất cần cởi mở và thông thoáng hơn trong việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị để tạo điều kiện cho các cơ sở y tế phát triển, nhưng cùng với đó là phải siết chặt hơn trong việc kiểm soát, giám sát để người bệnh không phải gánh thêm các chi phí vô lý.
Nên nhớ, chỉ với kết quả đấu thầu công khai 3 gói thầu thuốc thực hiện trong tuần đầu tháng 8 này, tổ chức tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, theo công bố của chính Bộ Y tế, đã tiết kiệm hơn 1.337 tỉ đồng - một con số nói lên rất nhiều điều.
Đã đấu thầu công khai như thế thì cơ hội cho những tiêu cực cũng khó phát sinh.
Bình luận (0)