Phải thừa nhận những người điều hành hãng xe công nghệ này rất "nhạy cảm với thời tiết". Nhiệt độ tăng thì lập tức thu phí tăng, qua đó chắc chắn nguồn lợi sẽ tăng. Với mức thu từ 3.000 - 5.000 đồng/đơn hàng tùy địa phương tưởng chừng là nhỏ nhưng với vị thế chiếm lĩnh thị trường, có hàng vạn đơn hàng mỗi ngày thì con số này sẽ lên tiền tỉ chứ không ít.
Lý do giải thích của đại diện công ty là thu để hỗ trợ tài xế cũng không thuyết phục vì tiền này được cộng vào doanh thu và ăn chia tỉ lệ với doanh nghiệp nên một phần sẽ chảy vào túi Grab.
Trước đó, Grab cũng quy định khoản thu 2.000 đồng/cuốc xe gọi là phí sử dụng ứng dụng. Nếu chờ quá 5 phút, khách hàng lại bị thu thêm 2.000 đồng phí chờ đợi.
Thời tiết thì thất thường, không hiểu Grab lấy tiêu chí nào để ấn định nền nhiệt độ để thu tiền. Nếu thu suôn sẻ, chẳng may vài hôm đến mùa mưa lại đẻ thêm phí bị ướt, phí giông bão...? Rồi đón khách ở điểm đi thì đang nắng, khi tới điểm đến trời mát hoặc mưa thì tính sao? Thật rối rắm và tùy tiện.
Những cố tật này không mới mẻ gì với các doanh nghiệp làm ăn không sòng phẳng cả về mặt mua bán và nghĩa khí. Đặt chân vào Việt Nam từ năm 2014, với chính sách thông thoáng, người tiêu dùng cởi mở, chỉ 4 năm sau, Grab hầu như đã thâu tóm được thị trường đặt xe công nghệ và đánh bại cả những hãng taxi truyền thống. Doanh thu năm 2016 của công ty chưa tới 200 tỉ đồng nhưng đến năm 2020 đã lên đến gần 3.800 tỉ đồng.
Với sự lớn mạnh này lẽ ra Grab phải trân trọng một cơ chế quản lý thuận lợi từ nhà nước, cảm ơn khách hàng đã tin dùng và rất dễ tính khi sử dụng dịch vụ. Đằng này khi đã nắm được thị trường, công ty lại đẻ ra các loại phí vô lý để kiếm lợi thì rất khó chấp nhận. Đồng ý đây là quan hệ thuận mua vừa bán nhưng tại thời điểm hiện nay khách hàng ở thế yếu vì ít có sự lựa chọn. Chúng ta có quy định rất chặt chẽ về giá và phí nên những trường hợp thu phí bất hợp lý cần cơ quan chức năng can thiệp.
Một số quốc gia đã có kinh nghiệm về cách làm ăn này nên họ có những biện pháp rõ ràng và cứng rắn ngay từ đầu. Singapore yêu cầu tài xế xe công nghệ phải có giấy phép hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc ban hành các loại cước phí. Đan Mạch quy định xe công nghệ phải có đồng hồ tính tiền để khách hàng theo dõi. Cuối năm 2017, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) phán quyết Uber là một hãng cung cấp dịch vụ vận tải, không phải một công ty kỹ thuật số. Các nước thành viên vì thế có thể quản lý điều kiện kinh doanh dịch vụ này. Điều đó đồng nghĩa các khoản thu của công ty được quản lý chặt chẽ, không thể lợi dụng vị thế để cạnh tranh không lành mạnh.
Trở lại câu chuyện thu thêm phí của Grab, đừng nghĩ có thể o ép được khách hàng mãi. Họ có những quyền rất quan trọng là lựa chọn dịch vụ và từ chối khi thấy mình bị lợi dụng, không được tôn trọng.
Chinh phục khách hàng không hề dễ, đừng để họ phải quay lưng!
Bình luận (0)