Trong trường hợp học sinh là F0, F1, F2 và đang "kẹt" trong các địa bàn bị phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đặc cách nếu các em có nguyện vọng...
Từ đây, chúng ta trở lại với câu hỏi muôn thuở: Thi để làm gì?
Câu trả lời là thi để lấy điểm. Lấy điểm để làm gì? Để vào đại học.
Cả 2 câu trả lời cho 2 câu hỏi đều không thỏa đáng. Tổ chức một kỳ thi lớn như vậy tốn kém công sức, tiền bạc rất nhiều nhưng kết quả là gần như ai cũng đậu. Năm 2020, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình học phải rút ngắn và dạy - học trực tuyến khá "chập chờn" mà tỉ lệ đậu THPT trung bình cả nước lên tới 98,34%, cao hơn năm 2019! Vậy là tổ chức thi chỉ để loại ra chưa đến 2% tổng số thí sinh? Nhiều năm trở lại đây, thi tốt nghiệp THPT không còn là chiếc phễu lọc chất lượng học sinh cuối cấp III nữa!
Còn lấy điểm để vào đại học - cũng chẳng cần thiết mấy. Bởi không như trước đây, những năm qua đã áp dụng nhiều phương thức xét tuyển đại học - cao đẳng, trong đó có xét học bạ. Phần lớn thí sinh đăng ký vào các trường đại học công tốp giữa hoặc ngoài công lập. Tỉ lệ thí sinh có khả năng trúng tuyển các trường tốp đầu không nhiều và những cơ sở giáo dục này đều tổ chức thi đánh giá năng lực hoặc tuyển sinh theo cách riêng để sàng lọc. Do vậy, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quy mô toàn quốc là không thật sự hữu dụng.
Tất nhiên, muốn thay đổi hay bỏ thi thì cần phải có lộ trình, trong đó có việc rất quan trọng là sửa Luật Giáo dục.
Giữ hay bỏ, chưa đến lúc bàn, nhưng dù sao đó chỉ là giải pháp kỹ thuật. Cái khó là phải làm sao thay đổi nhận thức về thi cử trong cả chuỗi hệ thống từ người quản lý, lãnh đạo GD-ĐT đến người dạy và người học. Nói rộng ra là toàn xã hội cần có cái nhìn khác đi về chuyện thi cử. Điểm thi, xét cho cùng, chỉ là sự phản ánh năng lực, hiểu biết, góc nhìn của cá nhân đó vào thời điểm người ta đang đi học, làm bài thi. Trong khi đó, giáo dục phải là sự khai phóng và vun bồi cho tương lai, để 20-30 năm cá nhân đó trở thành người có ích cho xã hội. Người giỏi khác với người học giỏi. Người học giỏi ắt thi giỏi nhưng sau này không hẳn trở thành hiền tài. Thực tế đã chứng minh khá nhiều học sinh từng đoạt giải cực cao ở các kỳ thi quốc gia, quốc tế nhưng về sau đã không thành công, thậm chí thất bại. Vì vậy, tiêu chí đánh giá phải khác đi, ít nhất là không chỉ dựa vào điểm thi nữa.
Rất nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới chú trọng đầu ra của học sinh, sinh viên chứ không chăm chăm xét điểm đầu vào như ở nước ta. Chất lượng GD-ĐT chưa cao và vẫn còn tình trạng "ai thi cũng đậu" (như nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua) thì biết bao giờ mới có "học thật, thi thật, nhân tài thật", như Thủ tướng Chính phủ gửi gắm ngành giáo dục mới đây?!
Bình luận (0)