Với khoảng 3.000 sông rạch, chiếm diện tích gần 17%, tổng chiều dài hơn 4.000 km, hệ thống kênh rạch ở TP HCM đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với vùng đất này. Từ thuở sơ khai, chính hệ thống sông, kênh nơi đây đã tạo nên diện mạo của một Sài Gòn - Gia Định trù phú về kinh tế, thuận lợi giao thương và là nơi dễ dàng phát triển sinh kế của hàng vạn người đủ sắc dân: Kinh, Hoa, Khmer, Stiêng... Hệ thống sông, kênh, rạch cũng đảm nhiệm luôn vai trò mang tính sống còn của các đô thị là tiêu thoát nước. Bên cạnh sông Sài Gòn với chiều dài hơn 200 km chảy qua, 5 tuyến kênh nội thành dài hơn 76 km gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ - Bến Nghé, kênh Ðôi - Tàu Hũ, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, rạch Tân Hóa - Lò Gốm chính là xương sống và là nét đặc thù của TP HCM mà hiếm thấy đô thị nào ở nước ta có thể so sánh được.
Thế nhưng, dần bước vào thời kỳ phát triển đô thị bùng nổ, các nhà quy hoạch đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua vai trò đặc biệt quan trọng này. Họ nhìn kênh rạch theo giá trị kinh tế thuần túy có thể quy ra tiền. Còn các nhà kinh doanh địa ốc thì xem kênh rạch là nguồn lợi trời cho nếu mình lấn chiếm được. Hơn 20 năm qua, kênh rạch bị san lấp, hành lang bảo vệ hệ thống sông Sài Gòn bị xâm hại nghiêm trọng bất chấp sự bức xúc của người dân và gây khó khăn cho công tác quy hoạch đô thị.
Từ những năm 1990, các nhà quy hoạch đô thị đã chỉ rõ nguyên nhân chính gây ngập triền miên ở TP HCM là do hệ thống thoát nước tự nhiên bị xâm lấn, trong khi phương án thoát nước nhân tạo quá lạc hậu và đầu tư không đúng tầm. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, kênh rạch càng bị lấn chiếm, tình trạng ngập càng thêm trầm trọng. Đến nay, thực trạng xâm lấn kênh rạch không những không giảm mà lại càng tăng nhanh.
Không khó để biết ai lấn kênh rạch, ai cấp phép, lấn ở đâu, diện tích bao nhiêu? Từ thời Pháp, đã có bản đồ chi tiết của vùng đất Sài Gòn - Gia Định và cả bản đồ không gian, ghi chép cụ thể từng con sông, kênh, diện tích, lưu vực... Về sau, bản đồ càng chi tiết và có cả không ảnh minh họa. So sánh với hiện tại thì sẽ rõ khu vực bị lấn chiếm.
Chúng ta không dám mơ mộng TP HCM như một Venice lãng mạn với hệ thống kênh rạch ken dày tạo được nguồn thu khổng lồ về du lịch nhưng trước hết chúng ta phải bảo vệ bằng được hệ thống kênh rạch vốn có để chính nó bảo đảm sự phát triển thuận lợi của thành phố này. Tiếp đó, hệ thống thủy lưu sẽ góp phần lớn vào không gian chung của quy hoạch thành phố tương lai hiện đại, cảnh quan hấp dẫn dựa vào hệ thống sông ngòi và dần ra phía biển.
Kế hoạch trên không còn là câu chuyện mơ ước mà tất yếu phải thực hiện. Mà muốn thực hiện được thì ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng phải dọn dẹp được những công trình, những toan tính đang xâm hại hệ thống sông, kênh, rạch hiện hữu. Đây là tài sản chung được lưu lại từ quá khứ và thế hệ hiện tại phải chu toàn để trao lại cho tương lai.
Bình luận (0)