Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu các kênh, rạch ở phía Nam của TP HCM, anh T. - nhân viên làm việc lâu năm của một đơn vị thoát nước cho hay nếu không có những người nắm rõ địa bàn chỉ lối thì sẽ rất khó để tìm ra những kênh rạch tại đây. Bởi qua thời gian, chúng gần như mất dấu cũ vì bị san lấp hoặc lấn chiếm.
Méo mó, như dải nước đọng
Rạch Cầu Đồn chạy cắt ngang con hẻm 2347 Phạm Thế Hiển (phường 6, quận 8). Đứng trên cây cầu bắc qua rạch, anh T. chỉ tay về căn nhà được bao phủ tôn màu xanh kể ngôi nhà này do ông N.T.V làm chủ, đã đổ đất san lấp mặt bằng, xây trụ bê-tông làm hẹp dòng chảy. "Trước đây, không có khúc đó (ý nói phần đất lấn chiếm), từ năm 2017 thì cái nhà lòi ra một đoạn, lấn hết nửa con rạch. Mà không chỉ nhà ấy, nhiều hộ xung quanh cũng chiếm khiến nó biến đổi diện mạo".
Theo quan sát của phóng viên, nhà dân mọc san sát dọc theo rạch Cầu Đồn. Có đoạn đã lấp đất và bao phủ tôn kín xung quanh, có đoạn thì tường nhà nằm luôn trên dòng kênh, có đoạn thì nhà sàn với những trụ bê-tông vững chãi cắm xuống nước. Khi chúng tôi hỏi lại một lần nữa để chắc chắn thông tin thì anh T. quả quyết: "Khu này lấn chiếm hết. Nhìn đủ biết rồi!".
Rạch Du (cắt với đường Phạm Thế Hiển) bị lấn chiếm. Ảnh: ANH VŨ
Rời con hẻm 2347 Phạm Thế Hiển, anh T. đưa chúng tôi đến đường Tạ Quang Bửu (phường 5, quận 8) rồi dừng lại trước một bãi xe. Nếu không được chỉ dẫn thì chúng tôi không thể nào biết được phần đất trước mặt là rạch Su. Theo anh T., bãi xe nằm trên rạch từ nhiều năm nay. Việc ấy biến đoạn rạch Su chạy ngang qua đây bị bóp nghẹt, một nhún chân nhẹ cũng có thể dễ dàng qua lại hai bên bờ.
Trên bờ hay dưới lòng rạch đều ken đặc rác thải, dòng nước đen ngòm bốc mùi khó chịu.
Một rạch khác cũng chạy trong quận 8 là rạch Du. Theo tài liệu chúng tôi có được, tổng chiều dài rạch Du hơn 1 km với điểm đầu từ Cầu Mật và kết thúc tại số nhà 26/25 đường số 16. Nơi giao cắt với đường Cao Lỗ, rạch Du bị lấn chiếm nặng nề bởi những căn nhà kiên cố. Con rạch bị xâm phạm rầm rộ nhất trong khoảng thời gian cách đây 7-8 năm.
Cách đó không xa, đoạn rạch Du cắt với đường Phạm Thế Hiển cũng bị người dân lấn chiếm, bịt đến gần như không lối thoát. Tại đây, phóng viên chỉ quan sát được đoạn rạch này chạy vài mét, còn xa hơn thì toàn là nhà cửa, vườn tược và mái tôn đã vây kín. Toàn bộ rạch Du như bị biến thành một dải nước đọng với rác vây quanh các trụ bê-tông lớn nhỏ đỡ những ngôi nhà trồi ra.
Âm thầm biến mất
Theo lời anh T., các kênh, rạch quận 7 đa phần rơi vào cảnh mạnh ai nấy lấn. Lấy dẫn chứng thêm, anh T. cho hay tại khu vực ngã ba rạch Ông Đội 1 và rạch Ấp Chiến Lược (hẻm 861, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7) bị một nhà đầu tư và nhiều hộ dân đóng cừ, đổ cát như muốn xóa sổ con rạch.
Hay tại rạch Sông Tân (khu phố 2, phường Tân Kiểng) cũng thế. Chỉ tay về phía trước mặt, chị Lê Thị Xuân Sông (44 tuổi) cho biết rạch ngày xưa rộng thênh thang. Sau này, vì muốn tăng diện tích đất mặt, hai bên đầu rạch nhà nào cũng đua nhau đổ đất, cắm cọc đánh dấu như của riêng. "Trước những năm 2000, tôi ngồi học bài nhìn qua cửa sổ thấy bờ bên kia cách xa bờ bên này lắm, còn bây giờ thì gần xịt. Rác và xà bần không trôi đi đâu được, thỉnh thoảng phải có người tới vớt" - chị Sông nói.
Tình trạng tồi tệ tại rạch Cầu Đồn... Ảnh: ANH VŨ
Rời rạch Sông Tân, chúng tôi tiếp tục tìm đến rạch Bến Ngựa (hẻm 435, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7). Đứng tại một căn nhà nằm trong hẻm 435 Huỳnh Tấn Phát, cảm giác xót xa ùa tới khi con rạch chạy qua đây gần như đã "chết". Từ căn nhà này nhìn sang bên kia, chúng tôi chỉ thấy tường nhà, những tấm tôn và lưới B40. Khoảng thoáng nhất lại chính là một chuồng gà lớn án ngữ trên mặt nước.
Tương tự, rạch Tam Đệ, rạch Bần Đôn (khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7) từng có phong cảnh đẹp nhưng rồi chòi tạm, cọc gỗ đóng tràn lan mà nhiều khúc trở nên méo mó, lồi lõm, diện tích mặt nước chẳng còn bao nhiêu, có đoạn nước phải "chui" dưới nhà người dân.
...và rạch Su. Ảnh: ANH VŨ
Ngoài những con rạch đang có nguy cơ bị bức tử, nhiều con rạch trên địa bàn quận 7 đã âm thầm biến mất từ lâu. Chỉ chúng tôi vị trí con rạch Ông Đội nhánh 1 trên tờ bản đồ, anh T. nói: "Trong bản đồ thể hiện có con rạch này. Để tôi dẫn các em đi, sẽ không có con rạch nào hết".
Nói là làm, anh T. dắt chúng tôi "lùng sục" khắp các con hẻm gần đó nhưng không thể tìm ra bờ rạch bởi xung quanh toàn những dãy nhà kiên cố xây san sát nhau. Chúng tôi hỏi về rạch Ông Đội nhánh 1 với một nhóm người lớn tuổi đang ngồi tại quán nước kế đó và nhận lại những cái lắc đầu. "Ngày trước ở đây nhiều kênh, rạch lắm. Mà giờ làm gì còn con rạch nào, mất sạch rồi" - một phụ nữ lớn tuổi nói.
Theo ông Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP HCM, kênh rạch thường do thiên nhiên tạo ra, con người không thể và không nên can thiệp vào nó. Nếu kênh rạch bị lấn chiếm thì nước không còn chỗ thoát và gây ngập. Ở các thành phố lớn trên thế giới, công tác bảo vệ kênh rạch luôn được ưu tiên thực hiện đầu tiên trong quá trình quy hoạch nhưng ở ta lại làm ngược lại nguyên tắc đó trong khoảng thời gian rất dài.
"Chúng ta đã lấp các hệ thống kênh rạch tự nhiên và thay bằng những hệ thống nhân tạo trong khi những hệ thống nhân tạo này không thể thay thế một cách hoàn toàn cho những hệ thống kênh rạch tự nhiên. Hậu quả là ngập... Nước có chỗ của nó, mình chiếm chỗ của nó, thì nó sẽ chiếm chỗ của mình. Đó là quy luật tự nhiên" - ông Phi phân tích.
Người lấn, rạch lùi
Sống lênh đênh gần cả đời người ngay trên rạch Bà Bướm nhánh 2 (đoạn chảy qua phường Phú Thuận), ông Trần Văn Tuấn cho biết trước đây phải cần đến 5 chiếc thuyền lớn dàn hàng ngang ra thì mới hết con rạch. "Người ta cứ lấn ra, con rạch thì ngày càng bị thu hẹp. Bây giờ thì nó rộng chỉ đủ 1 chiếc thuyền như của gia đình tôi thôi" - ông Tuấn nói.
Đúng như lời ông Tuấn nói, hai bên bờ rạch Bà Bướm nhánh 2 bị cọc gỗ, nhà dựng lên chiếm dụng gần hết, có cảm giác con thuyền giữa dòng đang bị bóp nghẹt.
2 địa phương phản hồi về các tồn tại
Trao đổi với chúng tôi về việc có hay không UBND phường 5 (quận Gò Vấp) dùng hành lang an toàn sông Vàm Thuật để làm sân bóng đá mini, ông Vương Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường 5, cho biết đoạn sông Vàm Thuật đi qua địa bàn phường thuộc dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tuy nhiên, do dự án "treo" nên nơi đây trở thành nơi tụ tập đá gà, rác thải, thậm chí có tình trạng tiêm chích ma túy... rất phức tạp.
Sân bóng đá do đoàn phường và chi đoàn công an phường 5 quản lý. Ảnh: HẢI PHONG
Để hạn chế tình trạng ấy, từ năm 2018 đến 2019, phường 5 đã tráng bê-tông nhiều đoạn, có chỗ đặt cây kiểng, máy tập thể dục cho người dân. Ngoài ra, một khoảng đất lớn được giao cho chi đoàn Công an và chi đoàn phường làm sân chơi thể dục thể thao. Trước khi làm, phường có thông báo với Ban Quản lý dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên xin tạm thời sử dụng khu đất hành lang sông. Riêng các quán ăn, quán cà phê dọc bờ kênh, ông Nam khẳng định phường không cho thuê mà vẫn kiểm tra, xử lý nhưng vì lực lượng mỏng nên chưa thể dứt điểm.
Với việc người dân chiếm dụng hành lang kênh An Hạ để buôn bán, bà Trần Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), cho biết địa phương đã thông báo, vận động người dân tự tháo dỡ hàng quán, trả lại mặt bằng thông thoáng cho hành lang kênh.
H.Phong
(Còn tiếp…)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8
Bình luận (0)