Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường làm việc; đổi mới công tác bố trí, sử dụng CBCC-VC để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ… Bộ Nội vụ sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp; tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công…
Rõ ràng, tiền lương là một thực tế phải nhìn nhận khi đề cập đời sống, việc làm CBCC-VC. Cải cách tiền lương hàng chục năm qua cũng nhắm đến CBCC-VC là đối tượng chính, đông đảo nhất trong thành phần hưởng lương ngân sách. Dù có những nỗ lực ở từng bộ, ngành, địa phương về xã hội hóa, làm dịch vụ công, tự chủ một phần… thì tiền lương của CBCC-VC nói chung vẫn hạn hẹp, đa số CBCC-VC phải thu vén, tiết kiệm hoặc nhờ người nhà hỗ trợ mới có thể nuôi con ăn học, xây nhà… Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, mức lương thấp nhất của công chức đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng, trong khi mức lương đủ sống của người lao động ở TP HCM năm 2020 phải đạt ít nhất 7,5 triệu đồng/tháng.
Hiện mức lương của CBCC-VC vẫn tính theo công thức sau: Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có). Trong đó, mức lương cơ sở năm 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng. Với ngạch công chức, mức lương thấp nhất là nhân viên bảo vệ kho dự trữ với hệ số 1,35 và cao nhất là chuyên gia cao cấp với hệ số 10,0; tương ứng với mức lương thấp nhất là 2,0115 triệu đồng và cao nhất là 14,9 triệu đồng. Tương tự, mức lương viên chức từ 2,2 triệu đồng đến 11,9 triệu đồng.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bất cập tiền lương còn ở các loại phụ cấp theo lương, có đến 18 loại phụ cấp theo lương chưa hợp lý, không phân định rõ bản chất của tiền lương. Tiền lương CBCC-VC mới chỉ bảo đảm khoảng 50%-60% nhu cầu, không đủ tái tạo sức lao động, không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương đã xác định việc cải cách tiền lương đối với CBCC-VC thực hiện vào tháng 7-2021 nhưng dịch COVID-19 kéo dài, chủ trương này liên tục phải lùi.
Do đó, việc nâng lương đã trở thành cấp bách và hy vọng sẽ sớm được thực hiện khi kinh tế - xã hội hồi phục, phát triển, góp phần ngăn dòng chảy thôi việc ở 2 ngành y tế, giáo dục. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải có những chính sách linh hoạt để cải thiện thu nhập cho đội ngũ CBCC-VC. Phải đổi mới tư duy về tiền lương, thu nhập, không ỷ lại vào bầu sữa ngân sách; năng động, tự chủ để vừa tinh gọn bộ máy vừa bảo đảm hoạt động trơn tru, có động lực tốt cho đội ngũ CBCC-VC; không để kéo dài tình trạng nơi không có việc, thừa người, nơi việc quá nhiều mà không đủ người làm.
Bình luận (0)