Từ trạng thái "ngủ đông" kéo dài trong 2 năm do bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, du lịch Việt đã mở cửa thận trọng, phục hồi nhanh chóng và tăng tốc đáng ghi nhận từ quý II/2022 đến nay. Trong đó, 2 trung tâm du lịch TP HCM và ĐBSCL đang nổi lên với nhiều mảng sáng đáng ghi nhận.
Kết quả chung đó là sự tăng trưởng lượng khách du lịch, doanh thu dịch vụ, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch và nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tập trung làm mới, tăng sức hấp dẫn nhiều sản phẩm thu hút du khách.
Thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo, du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa của ĐBSCL là sự kết nối có nhiều lợi thế với du lịch TP HCM. Hai vùng du lịch nổi tiếng này có thể nương tựa vào nhau, bổ sung cho nhau để tăng tính hấp dẫn. Chương trình liên kết hợp tác phát triển 2 không gian du lịch này được kết nối trở lại với sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, cộng đồng du lịch TP HCM và các tỉnh. Nhiều kỳ vọng phục hồi, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch cho giai đoạn mới đang mở ra.
Liên kết phát triển du lịch liên vùng TP HCM - ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, từ trọng tâm là thị trường du lịch nội địa sang mạnh dạn khai thác du lịch quốc tế. Các địa phương, doanh nghiệp, người kinh doanh du lịch và các tác nhân có liên quan trong chuỗi du lịch cần cụ thể hóa rõ ràng cơ chế, nội dung, chương trình liên kết, hợp tác thực chất bằng nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch cụ thể; phân định trách nhiệm tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Trước hết, cần thay đổi phương thức để du lịch hấp dẫn hơn bằng làm mới sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn nhưng lâu dài là tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, chứ không chỉ dựa vào khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên mà thiếu sự đầu tư, tôn tạo và phát huy tương xứng.
Hai là, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển công nghệ thông tin, AI, IoT, GPS, ứng dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng internet tích hợp, smartphone, thương mại điện tử, xây dựng và ứng dụng phổ biến hơn các công cụ trực tuyến, bản đồ du lịch trực tuyến, chia sẻ thông tin, dữ liệu, quảng bá, kết nối và các dạng thức số trong kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ba là, duy trì thường xuyên Diễn đàn kết nối du lịch, Chương trình hợp tác phát triển du lịch liên vùng, giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và Hội đồng điều phối liên kết du lịch để tăng cường phối hợp, hoàn thiện cơ chế hợp tác, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh và phối hợp hành động.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan, có tác động lan tỏa và chịu sự tác động của nhiều ngành kinh tế, giao thông vận tải, văn hóa xã hội, an toàn dịch bệnh, an ninh trật tự. Vì vậy, ngoài các hoạt động phối hợp, tăng cường kết nối giữa ngành du lịch của các địa phương, giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch, cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành, trở thành một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình liên kết vùng, liên vùng.
Bình luận (0)