Tai nạn đường thủy thường thảm khốc và rất khó để tìm ra nguyên nhân. Hiện trường hầu như bị xóa sạch trong môi trường nước. Những dữ liệu có ích nhất là nằm trong thiết bị giám sát hành trình và liên lạc vô tuyến. Tắt các thiết bị này gần như đồng nghĩa chôn vùi sự thật vào dòng nước.
Tại sao thiết bị AIS bị tắt? Lý do gì cơ quan chức năng không can thiệp khi tàu tắt thiết bị trong thời gian dài?... Đây là những câu hỏi cần sớm được trả lời để phần nào giải đáp nguyên nhân của vụ việc và phản hồi đến gia đình các nạn nhân.
Quy định gắn thiết bị giám sát đối với phương tiện giao thông vận tải (cả đường thủy và đường bộ) ban hành từ nhiều năm qua. Nhưng bởi nhiều lý do, như tốn chi phí, không cần thiết, sợ ảnh hưởng đến tâm lý tài xế... nên chủ phương tiện cứ lần lữa kéo dài. Mục đích quan trọng nhất, có thể bảo đảm an toàn cho hành khách là qua thiết bị này, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có thể giám sát phương tiện, kịp thời can thiệp khi tài xế bất tuân luật giao thông thì nhiều chủ phương tiện không xem trọng.
Thực tế, rất nhiều người điều khiển phương tiện chạy bạt mạng, bất chấp nguy hiểm. Nhiều người chủ động tắt hoặc làm hỏng thiết bị giám sát để không bị xử lý. Đáng buồn là không ít doanh nghiệp chấp nhận sự liều mạng này của tài xế, bởi lý do lớn nhất là tăng lợi nhuận. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, đến ngày 31-12-2021, toàn quốc có 103.000 xe trong tổng số 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát, đạt tỉ lệ gần 50%. Nếu trừ đi số phương tiện ngừng chạy do dịch Covid-19 (khoảng 79.000 xe) thì tỉ lệ này là 81%. 19% còn lại cũng không hề nhỏ, tương đương với 23.000 phương tiện.
Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, chắc chắn rằng hành khách nào cũng muốn tính mạng mình được bảo đảm an toàn. Thiết bị giám sát chính là công cụ gián tiếp rất hiệu quả trong việc kiềm chế những tài xế bất tuân luật lệ và cả những ông chủ muốn tăng lợi nhuận bằng mọi cách. Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra minh chứng: Qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát, trong năm 2020 các sở giao thông vận tải đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện (chưa tính số tiền xử phạt các vi phạm liên quan thiết bị giám sát hành trình do thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông xử lý). Tỉ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh, năm 2015 là 11,5 lần/1.000 km, năm 2020 là 0,32 lần/1.000 km.
Tai nạn giao thông luôn thảm khốc, năm 2019 làm chết 7.600 người, bị thương 13.600 người; năm 2020 có giảm nhưng vẫn chết 6.700 người, bị thương 10.800 người. Hậu quả của tai nạn để lại cho gia đình về mặt sức khỏe và kinh tế vô cùng nặng nề. Không có lý do gì biện hộ cho việc trì hoãn, né tránh lắp đặt thiết bị giám sát an toàn của hành khách. So với tính mạng, bất cứ lý lẽ nào cũng là ngụy biện.
Bình luận (0)