Bốn nhóm giải pháp đã cơ bản bao trùm đầy đủ các vấn đề mà xã hội nói chung và DN nói riêng đang phải đối mặt.
Nghị quyết nhận diện việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh là nhóm giải pháp số 1, thể hiện quan điểm đúng đắn của Chính phủ về xử lý vấn đề dịch bệnh hiện nay. Bởi vì, chỉ khi kiểm soát tốt dịch bệnh và phân bổ hợp lý vắc-xin ngừa Covid-19 đến từng DN thì mới tạo đủ điều kiện để DN có thể hoạt động trở lại. Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến bảo đảm lưu thông hàng hóa, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng... đã "chạm" đúng đến những khó khăn, vướng mắc của DN trong thời gian qua. Đặc biệt, nhóm chính sách tài khóa dù được triển khai từ sớm nhưng hiệu quả chưa thật sự cao, cần tiếp tục được triển khai ở đợt hỗ trợ này. Ngoài ra, chính sách cho người lao động, chuyên gia được coi là cách giúp DN giữ chân công nhân, tránh nguồn vốn ngoại có xu hướng rời khỏi Việt Nam.
Nhóm giải pháp đã có đủ song thực thi sao cho hiệu quả vẫn luôn là bài toán khó, nhất là ở nhóm chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí; lãi suất; triển khai các gói trợ cấp... Năm ngoái, khi dịch Covid-19 vừa bùng phát, Chính phủ cũng nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ liên quan đến tài khóa song giải ngân chậm và hiệu lực của chính sách quá ngắn khiến nhiều DN chưa kịp được hưởng ưu đãi đã phải đối mặt làn sóng dịch bệnh mới còn khốc liệt hơn. Lần này, DN mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ với thời hạn dài hơn, có thể đến hết năm 2022 hoặc đến năm 2023 để tạo đủ động lực cho DN hồi phục. Đồng thời, cần tăng tốc việc thực thi các chính sách hỗ trợ bởi DN hiện không thể chờ đợi thêm nữa.
Thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quản lý chệch choạc, hỗ trợ đến chậm hoặc đến không đúng đối tượng là do thiếu thống nhất trong chỉ đạo, triển khai chính sách, quy định liên quan. Trong Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ nêu rõ địa chỉ được giao để triển khai là các bộ, ngành và địa phương. Điều quan trọng nhất là phải có tính kỷ luật trong triển khai, thực hiện. Không thể để tái diễn câu chuyện bộ, ngành chỉ đạo một đằng nhưng địa phương thực thi một nẻo, gây khó khăn, vướng mắc cho DN. Chính phủ cần mạnh tay hơn trong việc xử lý những trường hợp thực thi sai quy định, gây khó dễ cho người dân và DN.
Thời gian qua, DN đã chịu rất nhiều tổn thất. Dịch bệnh là lý do khách quan nhưng không thể không thừa nhận nguyên nhân chủ quan do khâu quản lý có vấn đề, không thực sự tạo điều kiện để hoạt động sản xuất - kinh doanh thuận lợi. Nhà nước, địa phương không thể chỉ đòi hỏi DN phải thực hiện các quy định về chống dịch với hàng loạt chi phí tăng thêm mà không quan tâm xem thực tế họ khó khăn, vất vả ra sao? Quan tâm đến DN nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị mở cửa để hoạt động trở lại, là cách giúp nền kinh tế sớm "lành bệnh" và nhanh chóng phát triển trở lại.
Bình luận (0)