Khi có thành phẩm, nông dân thường bán xô nguyên liệu cho thương lái là chính; nông sản nội địa chất lượng không ổn định.
Về phía doanh nghiệp (DN), nhiều DN đầu tư cho logo của mình nhưng chưa đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm; đa số DN không có chiến lược duy trì, bảo vệ thương hiệu.
Để nâng tầm sản phẩm, phải chú trọng các yếu tố: phù hợp sinh thái nơi sản xuất, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; giống cây/con; quy trình sản xuất; thu hoạch; xử lý sau thu hoạch; logistics; nhãn hiệu và đăng ký thương hiệu; marketing.
Về giống cây/con, phải chọn giống đặc sản quốc gia hay địa phương. Việc sản xuất nguyên liệu phải áp dụng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm bền vững sinh thái, hữu cơ vi sinh có một tỉ lệ khoáng vừa phải; không đơn thuần áp dụng phân bón và thuốc hóa học (nhiên liệu hóa thạch). Với lúa thì sạ/cấy thưa; xử lý rơm rạ và phân bón để bón lót trước khi sạ cấy để giảm phát thải N2O, CH4, CO2, tưới tiêu nước xen kẽ; các cây trồng khác thì lấp phân bón sau khi áp dụng vào đất; phun phân bón sinh học lên lá. Với thủy sản, cần bảo đảm con giống sạch bệnh, nước chuẩn, thức ăn probiotic.
Thu hoạch phải đúng thời điểm, bằng phương tiện hiện đại, tránh làm tổn hại sản phẩm; đưa ngay đến trung tâm xử lý, chế biến. Xử lý sau thu hoạch, lúa phải sấy ngay đến 14% ẩm độ; tồn trữ trong hệ thống silo hiện đại; chế biến qua các thiết bị đúng chuẩn; xử lý các phụ phẩm thành những sản phẩm kinh tế khác.
Với trái cây, cần xử lý chống nấm bệnh tồn trữ; phân loại; đóng gói bao bì; đưa vào kho tồn trữ 50C; chế biến trái không chọn, và các phụ phẩm. Sản phẩm thủy sản cần xử lý, chế biến đúng kỹ thuật tiên tiến; chế biến các phụ phẩm thành sản phẩm kinh tế.
Về logistics, cần iên kết với mạng lưới chuyên chở hiện đại, có đủ kho bãi, xe tải thích hợp; bảo đảm phân phối đúng lúc đến các điểm bán lẻ, bán sỉ, và xuất khẩu.
Cần nhớ rằng xây dựng nhãn hiệu là một cách nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm của mình. Đăng ký thương hiệu là để bảo đảm không ai khác có thể sử dụng nhãn hiệu của mình. Thương hiệu chứng tỏ tầm nhìn toàn bộ của DN, là trọng tâm của tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty để giữ gìn chất lượng sản phẩm.
Về marketing, nên tham dự các hội chợ quốc tế và hội chợ trong nước. Các thương vụ trong đại sứ quán và lãnh sự quán đóng tại các quốc gia trên thế giới có nhu cầu về những sản phẩm Việt cần giúp xúc tiến thương mại cho DN trong nước; tận dụng các phương tiện truyền thông.
Chỉ đơn cử về cây ăn quả, trong khi nước ta hầu như không có nhạc trưởng; nhiều thành phần làm chủ; không đóng góp cho nghiên cứu phát triển; không liên hệ mật thiết đến lợi ích nông dân… thì với New Zealand, họ có tổ chức Pipfruit New Zealand điều phối chung, nông dân làm chủ, quản lý tài chính và điều hành, mỗi tấn xuất khẩu nộp lại 10 USD, góp 3 triệu USD/năm cho nghiên cứu, phát triển. Rõ ràng, không thể thiếu vai trò của nhà nước trong quản lý, điều hành, hỗ trợ DN và nông dân, trên quan điểm tất cả cùng có lợi.
(*) Trích tham luận tại Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt" do Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 27-4 ở TP Cần Thơ. Tựa do Báo Người Lao Động đặt.
Bình luận (0)