Dù thời điểm hiện tại, du lịch trong nước và quốc tế đã trở lại nhưng hệ thống khách sạn lại đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hệ thống khách sạn tập trung ở đối tượng các cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch và các khách sạn 1-3 sao trên địa bàn thành phố là gặp khó khăn, thách thức nhiều nhất.
Tính tới cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, tương ứng với 17.613 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn; 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ, tương ứng với hơn 48.000 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn.
Có điều phân khúc khách sạn đang có sự phân hóa đáng kể. Hệ thống khách sạn từ 4-5 sao, công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022. Nguồn khách nói trên tập trung vào các đối tượng là chuyên gia nước ngoài làm việc tại thành phố, các nhóm khách du lịch quốc tế - là khách trung thành của hệ thống khách sạn và số lượng lớn các đoàn khách MICE quốc tế đến tổ chức hội nghị khuyến thưởng và kết hợp tham quan du lịch.
Trong khi đó, hệ thống khách sạn từ không xếp hạng sao hoặc 1-3 lại hạn chế về nguồn khách quốc tế chưa kịp hồi phục, sức mua của thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng như cùng kỳ năm 2019. Quan trọng hơn nữa là khó khăn về nguồn lực nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn, do phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao dịch chuyển sang các ngành nghề khác. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình kinh doanh truyền thống và loại hình đặt phòng qua các trang bán phòng online (Booking, Agoda, Traveloka...). Những đối tượng kinh doanh truyền thống thông thường hạn chế về công nghệ, trải nghiệm khách hàng, hạn chế khả năng quảng bá và tiếp cận khách hàng, do đó doanh số bán phòng và mức độ thu hút khách lưu trú ở các cơ sơ vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm nay, du lịch TP HCM đặt mục tiêu đón khoảng 35 triệu khách nội địa, 5 triệu khách quốc tế với doanh thu toàn ngành khoảng 160.000 tỉ đồng. Về lâu dài, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và kích thích chi tiêu của du khách… thì việc tìm ra các giải pháp cụ thể để ngành khách sạn thành phố phát triển hiệu quả là vô cùng cấp bách. Bởi khi chất lượng dịch vụ tốt, du khách không chỉ lưu trú nhiều ngày hơn, chi tiêu cao hơn mà còn sẵn sàng quay trở lại.
Khi ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch thành phố phát triển đúng tầm sẽ góp phần nâng cao vị thế và đưa ngành du lịch ngày càng phát triển, đóng góp tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của TP HCM.
Bình luận (0)