Trong đó, GDP quý II tăng 7,72% - mức tăng cao nhất trong 11 năm qua - và tăng trưởng 2 quý đầu năm là 6,42%.
Mặc dù có nhiều điểm sáng song kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022 sẽ phải đối mặt không ít thách thức bất ngờ, khó dự đoán từ tình hình kinh tế - chính trị quốc tế.
Trong quý II vừa qua, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc đều không nhập được khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Nhiều nhà tiêu dùng khí đốt hóa lỏng ở châu Á không đặt được đơn hàng mới cho quý IV/2022. Đáng chú ý, các quan chức Pakistan cho biết trong bối cảnh phải cắt giảm phụ tải điện sản xuất và tiêu dùng, một cuộc mời thầu của nước này để mua khoảng 1 tỉ USD khí đốt tự nhiên hóa lỏng hôm 7-7 vừa qua đã không thu hút được lời chào giá nào. Cùng với việc khan hiếm nhiên liệu khí hóa lỏng là giá cả leo thang phi mã khiến hàng loạt hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại Anh, động thái từ chức hàng loạt trong nội các để gây sức ép lên Thủ tướng và Chính phủ chưa biết sẽ tác động đến kinh tế nước này cũng như toàn cầu ở mức độ nào. Tại Mỹ, cuộc bầu cử lưỡng viện dự kiến vào cuối năm nay cũng không biết sẽ diễn biến ra sao. Chỉ cần nhìn vào những lùm xùm trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp mới đây thì sẽ rõ ảnh hưởng của tình hình chính trị đến kinh tế nội tại của một quốc gia cũng như toàn cầu thế nào.
Trước những biến số khó lường từ tình hình quốc tế có thể gây bất lợi cho kinh tế - xã hội nước ta, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó. Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh, thành về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng cũng đã giao các địa phương nhiệm vụ phục hồi, ổn định kinh tế trong nước và chuẩn bị những phương án ứng phó diễn biến mới về địa chính trị, kinh tế trên thế giới. Mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy đầu tư công, tăng cường hiệu quả giải ngân gói hỗ trợ kinh tế trị giá 347.000 tỉ đồng.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong 2 tuần trở lại đây đã có động thái điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với việc các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế và xây dựng kịch bản ứng phó những tình huống bất lợi, hy vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục giữ được sự ổn định và đà phục hồi tích cực.
Bình luận (0)