Trước đây, chúng ta làm ra giống vừa năng suất cao vừa ngắn ngày, có thể làm 2-3 vụ/năm và nếu quốc tế cần cũng có thể lên 4 vụ/năm.
Theo tài liệu của Pháp, Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu gạo từ những năm 1860 nhưng chủ yếu làm việc với các thương lái trong khu vực chứ không xuất trực tiếp. Đến hiện tại, có thêm nhiều thương lái khắp nơi trên thế giới tới thu mua gạo của Việt Nam rồi xuất khẩu. Giá gạo của Việt Nam có thể bán được 600-700 USD/tấn, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới, giá thấp nhưng gạo vẫn ngon cơm. Một điều cần lưu ý, là không hẳn do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới - còn Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá cao sẽ tiếp tục cao.
Chưa hết, trong khi các nước cạnh tranh xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn có thể bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết "sống chung với biến đổi khí hậu" và Nghị quyết của Chính phủ cho phép quy hoạch lại vùng trồng lúa thuận theo thiên nhiên.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" - nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, cũng là một cơ hội khác.
Đây là những cơ hội để sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, từ việc chọn giống, sản xuất, mở rộng diện tích đến chế biến..., làm sao gạo Việt Nam có chất lượng rất cao, có thương hiệu tốt.
Những vụ lộn xộn xảy ra vừa qua do các doanh nghiệp (DN) tranh mua, tranh bán, yếu tố đến từ việc ngành chưa có giá sàn cho gạo xuất khẩu, nên một mặt thương lái bỏ tiền ra đặt cọc giá cao để đặt mua lúa của nông dân, mặt khác DN không có vùng nguyên liệu nhưng muốn đi bán gạo và họ mua giá không cao bằng thương lái. Để giải quyết bài toán này, DN nên ký hợp đồng 1 năm hoặc nhiều năm để có sự chuẩn bị.
Các tỉnh, thành có thể thành lập hoặc củng cố các HTX với những quy trình bài bản, huấn luyện trồng lúa theo giống nào, quy trình nào để nông dân làm theo. Gạo nguyên liệu của HTX khi sản xuất theo quy trình sẽ giúp hạ giá thành nhưng chất lượng cao. Khi Ngân hàng Thế giới cho vay, chính phủ sẽ ưu tiên cấp vốn cho DN để cải tiến máy móc thiết bị, chế biến ra gạo chất lượng tốt. Khi đó, gạo có thương hiệu đồng thời cũng truy xuất được nguồn gốc dễ dàng.
Đã đến lúc chúng ta phải sắp xếp lại, tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Cũng không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những người sản xuất làm bún, hủ tiếu… Sắp xếp lại thị trường, chia thị phần gạo, phân khúc gạo ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm được vậy, các DN sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi nơi có vùng nguyên liệu của mình. Hướng đi này tương lai sẽ đưa gạo của Việt Nam tiếp tục phát triển, là đường dài bền vững để ngành gạo đi xa.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)