Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí The Lancet Global Health đã ước tính mức vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của 99,3% dân số thế giới từ dữ liệu của 185 quốc gia, chỉ ra 4 chất dinh dưỡng mà nhiều người trên thế giới hay bị thiếu hụt do thói quen ăn uống nhất.
Sự thiếu hụt này có thể là nguyên nhân khiến bạn luôn mệt mỏi, đầu óc kém linh hoạt, hay bệnh vặt... mà không hiểu vì sao.
Công trình được thực hiện bởi Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Đại học California ở Santa Barbara (UCSB) của Mỹ và Liên minh toàn cầu về Cải thiện dinh dưỡng (GAIN, trụ sở chính tại Thụy Sĩ).
1. I-ốt (iodine)
I-ốt rất quan trọng để sản xuất hormone thyroxine, giúp các tế bào hoạt động, rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch, cân nặng, sự phát triển của não và nhiều thứ khác.
68% dân số toàn cầu đang thiếu chất này. Có thể bổ sung i-ốt qua hải sản hay các sản phẩm từ sữa, hoặc ăn muối i-ốt.
2. Vitamin E
Có trong các loại thực phẩm như các loại hạt, trứng, rau củ, trái cây. Vitamin E giúp tái chế chất thải trong cơ thể và cũng quan trọng đối với việc truyền tín hiệu tế bào và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng.
67% dân số thiếu hụt vi chất này.
3. Canxi
Tỉ lệ thiếu hụt canxi toàn cầu lên tới 66% dân số. Canxi cần thiết để xương và răng chắc khỏe, cũng như để tim, cơ và dây thần kinh hoạt động bình thường. Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh...
4. Sắt
Sắt có thể được tìm thấy trong gan, thịt đỏ và đậu, và rất quan trọng để sản xuất hemoglobin mà chúng ta cần để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi và đau đầu, cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác. 65% dân số thế giới gặp phải tình trạng này.
Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng những phát hiện này có thể giúp thúc đẩy một chế độ ăn uống cân bằng hơn với mọi người, từ đó giảm thiểu gánh nặng y tế từ các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiếu chất.
Bình luận (0)