xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hóa giải thách thức mới

LÊ THÚY - THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG

Sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường là những đòi hỏi mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay

Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt (TP Hải Phòng), thông tin doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giày dép này đã có đơn hàng tới hết tháng 5-2025. "Giá giày dép Việt Nam khá cạnh tranh so với Trung Quốc, chất lượng tốt nên được người tiêu dùng đánh giá cao, trong đó thị trường Trung Đông có nhu cầu rất mạnh" - ông cho hay.

Thách thức chuyển đổi xanh

Tuy nhiên, xuất khẩu giày dép cũng đối mặt nhiều thách thức khi thói quen tiêu dùng của khách hàng thế giới đang dần thay đổi. Theo ông Trần Đình Thăng, trước đây, sản phẩm giày làm bằng da thật được ưa chuộng nhưng bây giờ, nhiều người không thích do quan niệm sử dụng da thật là giết hại động vật. Do vậy, Công ty TNHH Nhật Việt đã chuyển đổi sang sử dụng các nguyên liệu trong nước như cao su, vải thân thiện với môi trường, qua đó tăng tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm lên tới 80%-90%.

Triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025 là khá tích cực, với điều kiện doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững và khai phá thị trường mớiẢnh: HOÀNG TRIỀU

Triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025 là khá tích cực, với điều kiện doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững và khai phá thị trường mới.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là nguồn vốn. Muốn chuyển đổi xanh, đáp ứng đơn hàng lớn thì DN phải đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô nhưng lại thiếu vốn. Suốt mấy năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi cố gắng giữ chân người lao động, duy trì hoạt động của nhà máy nên nguồn lực đã cạn kiệt" - ông Thăng bày tỏ. Chủ DN này kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói tín dụng hỗ trợ vốn hiệu quả cho DN để nâng cao năng lực, tận dụng tốt thời cơ phục hồi.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), cho rằng thời điểm này cần đặc biệt thận trọng với kịch bản quá mua của năm 2022 có thể lặp lại. Bên cạnh đó, còn có rủi ro lớn liên quan căng thẳng địa chính trị, nhiều thị trường chưa hồi phục đáng kể, áp lực về thời gian giao hàng và đơn giá gia tăng trong khi yêu cầu sản phẩm khắt khe hơn. Với ngành sợi, mặc dù đã giảm lỗ 80%-85% so với năm 2023 nhưng DN vẫn gặp bất lợi bởi giá bông trồi sụt và giá bán sợi chưa cải thiện.

"Con đường duy nhất của các DN dệt may là phát triển bền vững gắn với nâng cao năng lực quản lý và năng lực đổi mới sáng tạo, từ đó tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung theo hướng chế thử, phát triển mẫu" - ông Trường nhìn nhận.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu, ngày càng có nhiều người tiêu dùng trẻ, người tiêu dùng phân khúc cao cấp, hiện đại, thời thượng ở châu Âu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm được sản xuất bền vững. Số liệu của Forbes cho thấy 54% người được khảo sát thuộc thế hệ gen Z cho biết sẵn sàng chi trả thêm 10% trở lên cho các sản phẩm bền vững - cao hơn nhiều so với tỉ lệ 23% của các thế hệ trước.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu cũng lưu ý mặc dù các yêu cầu bắt buộc về tính bền vững của sản phẩm ngày càng khắt khe hơn trong nhiều thập kỷ qua nhưng gần đây, châu Âu đã tăng tốc thực thi các luật mới về giảm lượng khí thải carbon, chống phá rừng... Chính phủ các nước châu Âu muốn thắt chặt quyền kiểm soát đối với toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, sử dụng đến cuối vòng đời, buộc các nhà cung cấp sản phẩm phải tuân thủ.

Gia tăng hàng OBM, ODM

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương - Bộ Công Thương cho rằng khủng hoảng chính trị tại Bangladesh - quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn của thế giới - sẽ mở ra cơ hội cho DN ngành may mặc Việt Nam mở rộng thị trường. 

Chung nhận định, báo cáo xuất nhập khẩu tháng 9-2024 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nêu căng thẳng chính trị ở Bangladesh đang có xu hướng hạ nhiệt nhưng sẽ mất nhiều thời gian để nhà chức trách nước này ổn định lại tình hình. Do đó, các DN may mặc sẽ chuyển một phần đơn hàng từ Bangladesh qua các nước khác để giảm thiểu rủi ro và dự kiến Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nước ta đã xuất khẩu rất nhiều mặt hàng ở nhiều lĩnh vực. Đây là động lực để thúc đẩy việc đưa hàng dệt may Việt Nam vào thị trường toàn cầu.

Các DN Việt Nam đang thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang; đầu tư vào công nghệ thiết kế 3D, vào nguồn lực con người... để gia tăng tỉ lệ hàng OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc). Các DN cũng tiếp tục thúc đẩy liên kết chuỗi để đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhằm tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát triển mẫu để bán giải pháp công nghệ thời trang Việt Nam cho các nhà bán hàng toàn cầu.

Liên quan việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương, điều này khiến DN Việt xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi lẽ, chi phí sản xuất thực tế của DN Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải thông qua một nước thứ 3.

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương kiến nghị các bộ, ngành và cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ nhằm bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định. Đồng thời, tiếp tục cung cấp bổ sung lập luận về việc Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của Mỹ, để đề nghị nước này sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. 

64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho chuyển đổi xanh

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng với hơn 2.700 DN cho thấy có đến 64% DN chưa chuẩn bị gì cho chuyển đổi xanh. Trong khi đó, đây gần như là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu.

Theo Ban IV, chỉ có 5,5% DN tham gia khảo sát cho biết đã thực hiện các hoạt động cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm; 3,8% DN đã theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hằng năm.

"Với các diễn biến chính sách từ những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và nội tại ở Việt Nam, việc các DN dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép lớn trong tương lai, khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ" - Ban IV lo ngại.

Đa dạng hóa thị trường

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là giải pháp cũ song vẫn có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại. Ông Vũ Đức Giang góp ý DN không chỉ tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn cần đa dạng hóa đối tác mua hàng, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực và phát triển thị trường mới như Campuchia, Lào..., DN dệt may cũng cần khai thác kênh trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Các DN thời trang tại Mỹ và một số nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung sản phẩm bền vững từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam" - ông Giang nhận xét.

Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các thương vụ tích cực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết hợp khai thác thị trường truyền thống với mở rộng thị trường mới gồm châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á. Song song đó là phổ biến, hướng dẫn DN về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do; bảo vệ quyền lợi DN khi có tranh chấp trong thương mại quốc tế.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo