Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Bà có thể cho biết chuyển đổi mô hình từ trường ĐH lên ĐH cần có những điều kiện gì?
PGS-TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu, ĐH Bách Khoa Hà Nội: Việc chuyển đổi mô hình từ trường ĐH lên ĐH của ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan.
Theo quy định hiện hành, để chuyển từ trường đại học thành đại học, các cơ sở đào tạo cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000, được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
PGS-TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu, ĐH Bách Khoa Hà Nội
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có những chuẩn bị gì cho việc chuyển đổi lên ĐH Bách khoa Hà Nội, thưa bà?
Việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được nâng cấp lên ĐH là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển của ĐH Bách khoa Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới.
Sự chuyển đổi này đã được ĐH Bách khoa Hà Nội chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường.
Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sĩ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Năm 2022, Trường có 16 PGS và 2 GS được công nhận đạt chuẩn…
Theo Bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 33% các đại học tốt nhất châu Á. Tổ chức QS xếp ĐH Bách khoa Hà Nội vào nhóm các trường đại học công có quy mô đào tạo rất lớn và mức độ nghiên cứu rất cao. Còn trong Bảng xếp hạng đại học khu vực Đông Nam Á mới được công bố năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội xếp thứ 54 trong số các đại học tốt nhất của khu vực.
Trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng được xếp hạng thứ 360 thế giới và số 1 Việt Nam về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo bảng xếp hạng đại học thế giới theo nhóm ngành năm 2022 của QS. Cả 5 nhóm ngành được xếp hạng năm nay của ĐH Bách khoa Hà Nội bao gồm Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; và Khoa học Vật liệu đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới.
Với việc chuyển đổi mô hình thành ĐH Bách khoa Hà Nội, cơ cấu tổ chức, văn bằng hay việc dạy và học của trường có gì khác trước, thưa bà?
ĐH Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập. Chúng tôi không xây dựng các trường đại học thành viên mà thống nhất quan điểm "một Bách khoa Hà Nội". Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học.
Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do ĐH Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đại học.
ĐH Bách khoa Hà Nội có môi trường làm việc quốc tế hoá, nơi hội tụ và phát triển tài năng, thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc. Chuyển đổi mô hình thành ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ giúp nhà trường thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên toàn đại học.
Trước đó, tháng 10-12021, Hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã ra nghị quyết thành lập 3 trường gồm: Trường Cơ khí, Trường Điện– Điện tử và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông
Trường Cơ khí trên cơ sở tổ chức lại 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh); Trường Điện-Điện tử trên cơ sở tổ chức lại 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu gồm: Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng; Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 5 - 6 trường và 4 – 5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các Ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa. Tới năm 2025, sẽ trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, khẳng định vị thế trong và ngoài nước
Bình luận (0)